Chung tay bảo tồn giá trị di sản hát Xoan

Chung tay bảo tồn giá trị di sản hát Xoan
Kết nghĩa đôi bờ 

Hát Xoan còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình. Các làn điệu Xoan cổ đều bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. 
 
Hát múa trống quân Đức Bác.Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN.
 Hát múa trống quân Đức Bác.Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN.

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu tìm được 31 cửa đình tại 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ thuộc 9 huyện và 18 xã có hát Xoan; trong đó Phú Thọ có 15 xã, Vĩnh Phúc có 3 xã có nguồn gốc về hát Xoan. Hiện nay, đã có 15/31 đình làng - không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. 

Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, từ thời các Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân, đón chào năm mới. Ngoài ra, hát Xoan còn cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng. Từ lâu, hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, nhu cầu tâm linh của người dân. 

Bà Trần Thị Thanh Khu, trên 80 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Xoan thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết: Từ nhỏ bà đã được thân phụ là cụ kép nổi tiếng của phường Xoan Sậu truyền dạy. Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bà vẫn nhớ như in từng làn điệu Xoan cổ. Hiện bà Khu đang nỗ lực truyền dạy cho con cháu trong thôn về hát Xoan. 

Bà Khu cũng cho biết thêm: Trước kia, vào các dịp lễ, Tết các phường Xoan thường đến làng của nhau cùng hát. Về sau tục kết nghĩa giữa hai làng ra đời. Theo đó, phường Xoan Sậu, xã Kim Xá đã kết nghĩa với phường Xoan Phù Ninh (Phú Thọ). Hàng năm, vào dịp lễ hội tháng Giêng và tháng Chín âm lịch, hai bên cùng giao lưu hát Xoan. 

Ngoài hát trong các lễ hội, nhiều gia đình ở thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá còn mời phường Xoan Phù Ninh về hát tại nhà những lúc có việc vui, vì vậy mối quan hệ giữa hai làng rất thân thiết, gắn bó. 

Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau là tan cuộc. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm sẽ trình diễn đủ chương trình gồm các chặng hát vào khoảng hơn 2.000 câu hát. 
 
Trình diễn hát Xoan của phường Xoan Phượng Lâu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Trình diễn hát Xoan của phường Xoan Phượng Lâu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Theo các cụ cao niên ở phường Xoan Sậu: Vào mùa lễ hội, 4 phường Xoan gốc ở Phú Thọ khai xuân bằng múa hát ở miếu Lãi Lèn và đình làng mình từ mùng 1 đến mùng 4 Tết (âm lịch), từ mùng 5 Tết, các phường Xoan chia nhau đến hát ở các cửa đình làng bạn… 

Do nhiều yếu tố tác động, tục kết nghĩa của phường Xoan Sậu và phường Xoan Phù Ninh bị gián đoạn. Các làng Xoan khác ở hai địa phương Vĩnh Phúc và Phú Thọ cũng ít giao lưu.  Có thời điểm, hát Xoan ít được mọi người quan tâm, những cụ đào, kép trong làng am hiểu sâu, nắm rõ lối hát, cách hát cổ, các bài hát Xoan cổ cũng như nghi thức thực hành trong tục kết giao với các phường Xoan khác tuổi đã cao, nhiều cụ đã mất nên hát Xoan ở Kim Xá có lúc đứng trước nguy cơ mai một. 

Hiện nay, ở thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá chỉ còn khoảng trên 10 đào (đều là các cụ từ 60- 85 tuổi) và không còn kép. Các đào trong thôn chỉ nhớ được một số bài hát Xoan cổ như: “Mừng Vua”, “Mừng đình - Mừng dân”, hát đúm, hát đối đáp, giao duyên… 

Chung tay bảo vệ di sản 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, cuối năm 2014, tục kết nghĩa của phường Xoan Phù Ninh và phường Xoan Sậu, xã Kim Xá chính thức được phôi phục sau hàng chục năm bị gián đoạn. 
 
Chung tay bảo tồn giá trị di sản hát Xoan ảnh 3
 Điệu múa hát Xoan truyền thống do các nghệ nhân tỉnh Phú Thọ trình diễn.
Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Trong niềm vui ấy, nhiều người dân trong thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá đã hăng say tập luyện những bài Xoan cổ do các cụ tiền bối để lại. Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát Xoan ở địa phương, hiện nay, nhiều cụ trong thôn Hoàng Thượng đã truyền dạy cho con cháu những làn điệu Xoan vốn đã có truyền thống của quê hương. 

Lãnh đạo UBND xã Kim Xá cho biết, đưa hát Xoan vào trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở mỗi cấp học trên địa bàn xã Kim Xá đều có hình thức, phương pháp riêng để đưa hát Xoan vào trường học hiệu quả nhất. Từ hoạt động này, học sinh không chỉ được học, hiểu và biết hát Xoan mà còn tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn, bảo tồn di sản hát Xoan. 

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ, trước đây tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép hoạt động không đều, trong đó quá nửa đã trên 60 tuổi và chỉ có 7 trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành, truyền dạy. Hiện nay, hát Xoan đã được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức, An Thái thuộc xã Phượng Lâu và 37 câu lạc bộ hát Xoan với gần 1.560 người tham gia thực hành hát Xoan. 

Ngoài các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, hát Xoan Phú Thọ còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 64 câu lạc bộ cấp huyện với trên 1.320 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, tại cấp xã cũng đã thành lập được 42 câu lạc bộ với trên 1.300 thành viên. Như vậy, toàn tỉnh hiện có 4.731 người tham gia sinh hoạt chính thức trong các tổ chức hát Xoan tại Phú Thọ và Vĩnh Phúc, chưa kể số người tham gia không chính thức. 

Cùng với đó, 100% trường học ở các cấp  trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình học ngoại khóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng trình diễn cho hạt nhân hát Xoan tại các câu lạc bộ… 

Phú Thọ đi đầu trong việc vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan cho 52 nghệ nhân và 20 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất. Công tác đầu tư, tu bổ các di tích gắn với sự ra đời của hát Xoan đã được đặc biệt quan tâm; 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện trình diễn hát Xoan thờ Thần. 

Sau 6 năm thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc) vừa qua đã nhất trí đưa Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lâm Đào An 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm