Cần Thơ tổ chức Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer lần thứ nhất năm 2017

Cần Thơ tổ chức Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer lần thứ nhất năm 2017
Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn - Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer TP. Cần Thơ lần thứ nhất năm 2017. Ảnh: motthegioi.vn
Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn - Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer TP. Cần Thơ lần thứ nhất năm 2017. Ảnh: motthegioi.vn

Chủ tịch UBND quận Ô Môn Lê Việt Sĩ cho biết: Đây là lần đầu tiên quận Ô Môn tổ chức Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer. Tiến tới, Lễ hội sẽ tổ chức thường niên để du khách gần xa biết đến Cần Thơ, hiểu được các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer và các dân tộc khác. Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức: trình diễn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, liên hoan văn nghệ tổng hợp, trình diễn thời trang dân tộc, các trò chơi dân gian truyền thống, hội thi trang trí mâm ngũ quả và hoa nghệ thuật… Đến với lễ hội, du khách được thưởng thức nhiều loại bánh dân gian, tìm hiểu về trang phục, vật dụng hàng ngày, nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer và các dân tộc anh em. 

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nêu rõ: Cần Thơ đang thực hiện các hoạt động, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của phát triển du lịch, tập hợp mọi nguồn lực chung tay làm du lịch. Theo ông Lê Văn Tâm, đầu tư cho du lịch là xây dựng nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác của địa phương. Thành phố Cần Thơ sẽ có các đề án khai thác phát triển ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang lợi thế cạnh tranh của địa phương; phát triển hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường... phục vụ phát triển du lịch.  

Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội quan trọng và độc đáo, diễn ra hàng năm vào tháng Ca Đắc âm lịch của người Khmer (khoảng tháng 10 Âm lịch). Trong chuỗi lễ hội này, đồng bào Khmer sẽ tiến hành Lễ cúng trăng và  Ok Om Bok (đút cốm dẹp) - một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Mâm lễ để cúng trăng có các vật phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp gồm: Chek (chuối), đam-loon (khoai), đôn (dừa), ta-rau (khoai môn), trong đó, cốm được bày chính giữa mâm lễ vật...Trong chương trình lễ hội, vào lúc 19 giờ ngày 3/11 (tức ngày 15/9 Âm lịch)  Lễ cúng trăng sẽ diễn ra tại Chùa Sanvor Pothinhen, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. 

Ánh Tuyết 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm