Các nhà khoa học Nga hỗ trợ bảo tồn, phục hồi Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn

Các nhà khoa học Nga hỗ trợ bảo tồn, phục hồi Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn

Để hiểu rõ được nguyên vật liệu, cấu trúc, ....làm nên quần thể Mỹ Sơn, các nhà khoa học của Liên bang Nga đã tiến hành phân tích cấu trúc và khoáng chất vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); nghiên cứu một số mẫu gạch kết hợp với nhau, một số mảnh điêu khắc trang trí của ngôi đền… 

Khách du lịch thăm quan Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung – TTXVN
Khách du lịch thăm quan Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung – TTXVN

Tiến sỹ Aleksei Pakhnevich, Viện cổ sinh học Moskva cho biết, theo các kết quả nghiên cứu chúng tôi đưa ra được các kết luận sau: Vật liệu xây dựng đền tại Mỹ Sơn có thể khác nhau về nguồn gốc, đặc tính của việc nung; sự nung gạch không đồng đều; trong việc sản xuất gạch có trộn lẫn cát và các mẫu thực vật; từ các dữ liệu của phương pháp hiển vi điện tử và hiển vi quang học, quang phổ hồng ngoại và nhiễu xạ tia X, gạch nhiệt độ nung thấp, trong khoảng 200-500 độ C; đất sét được dùng như là nguồn nguyên liệu ban đầu cho sản xuất gạch, nhưng không được sử dụng để sản xuất các yếu tố xây dựng trong nghiên cứu. 

Xuất phát từ sự cần thiết phải bảo vệ các bề mặt gạch từ sự xâm nhập của các sinh vật sống bên trong và sự phá hủy từ bên ngoài, các nhà khoa học Nga đã đề ra một số giải pháp nhằm phục chế và bảo vệ Di sản Mỹ Sơn. Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Sergey Nefedkin thì sự xâm nhập của nước là nguyên nhân chính tạo ra sự ăn mòn, phá huỷ các lớp bảo vệ gạch cũng như những lớp trong lòng viên gạch đựơc xây dựng tại Mỹ Sơn. Kết quả phân tích nguyên tố của lớp bề mặt của viên gạch và phần thân gạch cho thấy rằng các lớp bề mặt đã bị mất kết nối của sắt và nhôm, kết quả là, các vết nứt đã được hình thành, sau đó, có sự tàn phá. Chính vì vậy, cần có một lớp phủ bên ngoài bề mặt gạch, ngăn sự thẩm thấu của nước, ngăn chặn sự tàn phá đối với Di sản Mỹ Sơn rồi từ đó đề ra vật liệu, khôi phục trạng thái ban đầu. 

Được biết, hiện Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học năng lượng Quốc gia Moskva cùng nhóm nghiên cứu đã gia công tạo ra đựơc một loại gạch mà bề mặt những viên gạch được tôi luyện cứng hơn so với các lớp gạch bên trong. Đồng thời triển khai lắp ghép số gạch này vào một số vị trí tại Mỹ Sơn để quan sát “phản ứng” của thời tiết cũng như các yếu tố ăn mòn, phá hủy gạch tại khu vực Mỹ Sơn. 

Việc bảo tồn, tu bổ các tháp Chăm không chỉ có ý nghĩa bảo vệ các di sản văn hóa, mà còn góp phần thiết thực vào việc quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam ra cộng đồng thế giới; nâng cao năng lực quản lý và nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng làm công tác bảo tồn di tích; đồng thời phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. 

Trong quá trình hợp tác, tu bổ các di tích Chăm từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng, trong đó có vấn đề thành phần và chất liệu để sản xuất gạch Chăm; tìm hiểu và sử dụng chất kết dính có nguồn gốc từ thảo mộc; phương pháp mài-dán để phục hồi các mảng tường đã sụp đổ; phương pháp khoan neo để gia cố, tăng khả năng liên kết và tính bền vững các khối kiến trúc… 

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: trong những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam đã xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại là sự xâm hại của các tác nhân tiêu cực từ môi trường đã và đang phá vỡ mặt ngoài của các tháp, dẫn đến hiện tượng mủn gạch, đe dọa nghiêm trọng đến kết cấu và sự bền vững của các tháp Chăm. Quảng Nam đang phối hợp với các ngành chức năng và các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu nhằm khám phá những bí ẩn cổ xưa, từ đó bảo tồn, phục dựng những công trình kiến trúc của nền văn hóa Chămpa, trả cho nó về nguyên giá trị. 

Hiện nay, một số nhà khoa học Nga đang quan tâm đến vấn đề bảo quản bề mặt tháp Chăm tại Mỹ Sơn để kéo dài tuổi thọ của các công trình kiến trúc này, chống lại sự xâm thực của thời tiết, khí hậu và các tác nhân tự nhiên khác. Đồng thời nghiên cứu, góp phần giải mã một vấn đề từ trước đến nay còn đang bỏ ngỏ, đó là mặt ngoài của tháp Chăm đã được người xưa xử lý, bảo quản như thế nào để có thể đứng vững suốt cả ngàn năm và chúng ta sẽ làm gì để gia tăng sự bền vững cho bề mặt tháp. 

rên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều di tích, quần thể di tích mang tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó, các kiến trúc Chăm với những đền tháp trên ngàn năm tuổi là bộ phận đặc sắc, tích hợp trí tuệ và sự sáng tạo phi thường của nền văn hóa Chămpa. Những ngôi đền tháp, nhóm đền tháp như Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, Phật viện Đồng Dương, Mỹ Sơn… đã và đang thu hút các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khám phá bí ẩn của người xưa./ 

 

Có thể bạn quan tâm