Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Mùa về qua những sắc hoa” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Mùa về qua những sắc hoa” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Các hoạt động có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Nghệ An), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Bahnar (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng) cùng các nghệ sỹ, sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc…

Chương trình điểm nhấn của hoạt động “Mùa về qua những sắc hoa” là hoạt động  tổ chức trồng các loại cây, hoa nhằm tăng cường cảnh quan sắc hoa vùng miền tại không gian các làng dân tộc; Triển khai trồng, chăm sóc thung lũng hoa Tam giác mạch tại làng dân tộc Tày; Trồng bổ sung cây hoa Dã quỳ tại không gian các làng dân tộc Tây Nguyên; Trang trí không gian miền Tây sông nước tại bãi cỏ cạnh ao sen chùa Khmer.
 
Đồng bào dân tộc Mông giới thiệu nghề đan lát thủ công. Ảnh: Hoàng Hải
Đồng bào dân tộc Mông giới thiệu nghề đan lát thủ công. Ảnh: Hoàng Hải 

Giới thiệu các nghề thủ công truyền thống tại các làng dân tộc như nghề dệt thủ công, nghề đan lát tạo ra những sản phẩm ứng dụng cao trong đời sống sinh hoạt cũng như thẩm mỹ để giới thiệu cho du khách, tìm hướng ra cho các sản phẩm của đồng bào các dân tộc. Những sắc màu của thổ cẩm, những nguyên vật liệu từ thiên nhiên và vẻ đẹp của những sản phẩm khi đã hoàn thiện cũng là tiếng nói về vẻ đẹp cảnh quan cũng như màu sắc văn hóa của cộng đồng.

Trình diễn, trưng bày, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống, được trải nghiệm các nhạc cụ, đặc biệt là một số các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc như: Ném pao, đánh cù của dân tộc Mông; đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng của dân tộc Cơ Tu, đi cà kheo...
Đồng bào dân tộc La Hủ giới thiệu điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Hải
Đồng bào dân tộc La Hủ giới thiệu điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Hải 
Hoạt động “Sắc màu lễ hội của các dân tộc khi mùa về” sẽ tái hiện nghi thức dựng cây nêu của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tại Làng dân tộc Cơ Tu. Đối với đồng bào Cơ Tu, cây nêu luôn là vật linh thiêng, mang ý nghĩa kết nối với tổ tiên, thần linh, cầu bình an, mưa thuận gió hòa. Cây nêu thường được trang trí khá cầu kỳ gồm nhiều chi tiết, hoa văn với 4 màu chủ đạo là: đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện nét văn hóa truyền thống và yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của người Cơ Tu. Ngoài ý nghĩa tâm linh, cây nêu còn có vai trò là trung tâm của các lễ hội; Tái hiện Lễ hội cầu mùa của dân tộc Khơ Mú ở tỉnh Nghệ An tại Làng dân tộc Khơ Mú. Đây là một trong những lễ hội lớn trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của đồng bào Khơ Mú, nghi thức đồng bào Khơ Mú cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt; Lễ dâng y Kathina tại Quần thể chùa Khmer mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia.

Vào các dịp cuối tuần có Chương trình “Mùa về qua những sắc hoa” của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam;  Chương trình biểu diễn “Những bông hoa Làng tôi”; Chương trình Đờn ca tài tử “Nét duyên quê - lục bình tím” của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Các ngày trong tuần và dịp cuối tuần, tại Làng đều diễn ra các hoạt động tái hiện cuộc sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số; giới thiệu cách làm bánh, gói bánh của đồng bào dân tộc, chế tác nhạc cụ và các trò chơi dân gian, hoạt động cầu an, cầu phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm