Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trong tình hình mới

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trong tình hình mới
Ông Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Ông Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Hiện nay, trên cả nước có gần 800.000 người Dao, chia thành 9 ngành. Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Dao đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mang đậm sắc thái riêng của mình. Các giá trị văn hóa vật chất được thể hiện rõ nét trong cấu trúc làng, bản, kiến trúc nhà ở, trang phục, trang sức, ẩm thực, nghề truyền thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, nhiều di sản văn hóa vật thể của dân tộc Dao đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Theo ông Triệu Bình, Chuyên viên cao cấp Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, ngày nay, những nghệ nhân, người am hiểu, người cử hành được những nghi lễ trong đời sống văn hóa người Dao ngày càng ít đi. Một số lớp trẻ người Dao thờ ơ với văn hóa truyền thống, một phần không được truyền dạy một cách có hệ thống, mặt khác, do tác động của nền kinh tế thị trường nên một số di sản có giá trị bị mai một dần, thậm chí biến mất. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao đang đặt ra yêu cầu cấp bách về phương diện nghiên cứu lý luận và thực tiễn.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, đồng bào người Dao có một cơ chế bảo tồn di sản văn hóa truyền thống khá bền chặt, đồng bào người Dao có một cơ chế tổ chức với những thầy cúng – những tri thức dân gian được đào tạo cơ bản để trở thành người uy tín, tư vấn, định hướng bảo vệ văn hóa truyền thống. Hiện nay, một số giá trị di sản văn hóa Dao bị mai một, nhưng nếu phát huy cơ chế bảo tồn văn hóa truyền thống, có những chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống người Dao, các di sản văn hóa Dao sẽ được bảo tồn và thích ứng với xã hội…

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Ngoài ra, đa số các tham luận của các đại biểu cũng đề cập đến nhiều khía cạnh văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao và đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước.

Kết luận Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam khẳng định, Hội thảo đã thu nhận được nhiều kết quả quan trọng đóng góp cho việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Dao. Qua Hội thảo lần này, Ban tổ chức Hội thảo thống nhất đề xuất Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép làm hồ sơ Lễ hội Bàn Vương là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO. Hội thảo cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh liên quan có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao; tổ chức điều tra, sưu tầm và phổ biến di sản văn hóa người Dao; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, đặc biệt là các thầy cúng của cộng đồng người Dao…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Nguyễn Văn Tý

Có thể bạn quan tâm