Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển
Năm 2019 là tròn 20 năm, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: TTXVN
Năm 2019 là tròn 20 năm, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: TTXVN

Gần 100 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, tập trung đi sâu làm sáng tỏ nhiều khía cạnh trong bức tranh tổng thể của văn hóa Quảng Nam. Tiêu biểu như các tham luận: Những giá trị văn hóa về vùng đất và con người xứ Quảng; Phát huy bền vững giá trị tài nguyên Di sản khảo cổ học Tiền sơ sử lưu vực sông Thu Bồn; Sự ra đời của chữ Quốc ngữ - Dấu ấn hội nhập văn hóa của vùng đất Quảng Nam; Văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ở Hội An trong giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển; Biến đổi văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam hiện nay; Tín ngưỡng tiền hiền và văn hóa dòng họ Quảng Nam; Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn lễ hội dân gian ở ven biển tỉnh Quảng Nam…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh: Quảng Nam là một trong những địa phương có khối lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng nhất của cả nước với 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới; 62 di tích quốc gia và 340 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn có nhiều danh thắng, các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, các làng nghề truyền thống lâu đời cần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Dưới góc nhìn địa - văn hóa, xứ Quảng như một tiểu vùng của khu vực Nam Trung Bộ. Tiểu vùng văn hóa này có sự hiện diện, giao hòa của hầu hết các loại hình di sản văn hóa thể hiện những đặc trưng văn hóa khác nhau, có những niên đại khác nhau, hàm chứa những nội dung lịch sử khác nhau nhưng đều gắn liền với những đặc điểm về địa lý tự nhiên và quá trình hình thành, phát triển của mảnh đất này. Sự đa dạng của tiểu vùng văn hóa này được thể hiện rõ nét ở sự giao lưu, gắn kết văn hóa từ quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của người Chăm, người Việt, người Hoa, giữa khối dân cư đồng bằng ven biển với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, cùng những ảnh hưởng không nhỏ của sự giao lưu văn hóa Đông - Tây.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh: Sự đa dạng của tiểu vùng văn hóa này được thể hiện rõ nét ở sự giao lưu, gắn kết văn hóa từ quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của người Chăm, người Việt, người Hoa, giữa khối dân cư đồng bằng ven biển với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, cùng những ảnh hưởng không nhỏ của sự giao lưu văn hóa Đông - Tây…Tất cả những điều đó đã tạo nên những đặc tính đã trở thành phẩm chất của con người xứ Quảng là cần cù, sáng tạo, thông minh, cởi mở, khoan hòa nhưng rất kiên trung, bất khuất. Những phẩm chất này giúp cho con người xứ Quảng luôn hiên ngang trong quá trình chống chọi với thiên tai, địch họa cũng như khát vọng vươn lên trong quá trình xây dựng, phát triển địa phương ngày nay.

Hội thảo đã đưa ra những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới, góp phần nhận diện rõ hơn về giá trị văn hóa Quảng Nam. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tiếp thu, góp phần vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương trong thời kỳ hội nhập.
Đoàn Hữu Trung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm