Bảo tồn phát huy giá trị đình Đồng Kỵ

Bảo tồn phát huy giá trị đình Đồng Kỵ
Cán bộ Cục Di sản văn hóa và các cơ quan chức năng đánh giá lại khả năng tái sử dụng các cấu kiện. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Cán bộ Cục Di sản văn hóa và các cơ quan chức năng đánh giá lại khả năng tái sử dụng các cấu kiện. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Đình Đồng Kỵ nằm trong quần thể di tích đền, đình, chùa Đồng Kỵ. Ngôi đình thờ Thành hoàng làng là Đức thánh “Thiên Cương” có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ IV. Căn cứ vào dòng chữ Hán được khắc trên tòa đại bái trong đình, ngôi đình Đồng Kỵ được khởi dựng vào thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 6 (tức là năm 1745), là công trình kiến trúc gỗ còn nguyên vẹn từ khi khởi dựng đến nay.

Ngôi đình có quy mô kiến trúc to lớn, kết cấu kiểu chữ “Công”, gồm tòa đại bái, thiêu hương, hậu cung được lợp ngói đao vút uốn lượn duyên dáng. Bộ khung ngôi đình dựng bằng gỗ lim, hệ thống cột cái to khỏe vững chắc có chu vi hơn 2m, ván sàn, lòng giếng. Trên tất cả các bộ phận kiến trúc như: vì nóc, cốn, bẩy, đầu dư, con chồng… đều được chạm khắc cầu kỳ theo các đề tài “tứ linh tứ quý” như: rồng bay, phượng múa, lân chầu… với nghệ thuật chạm nổi, kênh bong và chạm lộng được kết hợp nhuần nhuyễn, tinh xảo, nghệ thuật.
 
Những cấu kiện cũ có giá trị kiến trúc, mỹ thuật trong đình Đồng Kỵ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Những cấu kiện cũ có giá trị kiến trúc, mỹ thuật trong đình Đồng Kỵ.
Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Những cấu kiện cũ có giá trị kiến trúc, mỹ thuật trong đình Đồng Kỵ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Những cấu kiện cũ có giá trị kiến trúc, mỹ thuật trong đình Đồng Kỵ.
Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Toàn cảnh tòa Đại bái đình Đồng Kỵ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Toàn cảnh tòa Đại bái đình Đồng Kỵ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Đặc biệt, gian giữa tòa đại bái được trang trí chạm trổ cầu kỳ, lộng lẫy. Phía trước cửa cấm là hai bức cửa võng, bức ngoài chạm kín từ đỉnh nóc xuống hai bên chân cột, lớp trên cùng chạm nổi “lưỡng long chầu nguyệt”, lớp dưới chạm “rồng ổ” tầng tầng lớp lớp điêu luyện. Hai bên chạm phối rồng bay, phượng múa, lân chầu, quy đội thư. Kỹ thuật chạm khắc tinh vi kết hợp cùng màu sơn son thiếp vàng rực rỡ của bức cửa võng và màn giếng đã tạo cho ngôi đình thành không gian thờ cúng đẹp, vừa tôn nghiêm, huyền bí.

Có thể nói, đình Đồng Kỵ là một trong những đình làng cổ hiếm hoi còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo, là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại còn đến ngày nay. Với những giá trị to lớn trên, đình làng Đồng Kỵ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 1988.

Cùng với sự biến đổi của thời gian, đến nay, các hạng mục ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Đình Đồng Kỵ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương, vì vậy việc tu bổ, tôn tạo di tích là cần thiết, cấp bách đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân cũng như việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa di tích.

Trùng tu phải bảo đảm giữ nguyên giá trị kiến trúc, mỹ thuật

Trước thông tin về việc Dự án tu bổ đình, chùa Đồng Kỵ thay mới nhiều cấu kiện gốc, đồng thời chưa đảm bảo quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích sau hạ giải, ông Nguyễn Văn Đản, Phó Ban Quản lý di tích làng Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn), cho biết: Dự án này thi công được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay, công trình đang trong quá trình hoàn thành các hạng mục. Trong quá trình triển khai tu bổ, Ban Quản lý di tích địa phương đã hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định và được sự đồng ý thỏa thuận của Cục Di sản văn hóa. Đặc biệt, trong quá trình thi công, khi phát sinh vấn đề, Ban Quản lý di tích đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến tập thể và có sự đồng ý của cấp trên. Để giám sát chặt chẽ công trình, địa phương thành lập Ban giám sát gồm 48 thành viên di tích và 19 thành viên thường trực thuộc Hội Người cao tuổi và 16 người thường trực thuộc Ban khánh tiết, thường xuyên bố trí túc trực.
 
Những cấu kiện mới được dựng lên trong đình Đồng Kỵ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
 Những cấu kiện mới được dựng lên trong đình Đồng Kỵ.
Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Thực hiện theo bản thỏa thuận về tu bổ di tích với Cục Di sản văn hóa, địa phương đã chú trọng tu bổ bảo đảm tái sử dụng tối đa các phần cấu kiện gỗ có giá trị kiến trúc và nghệ thuật. Tuy nhiên, sau khi hạ giải, nhiều hạng mục, cấu kiện gỗ có giá trị được làm từ gỗ xoan, trải qua thời gian dài 300 năm nên bị mối mọt, khó có thể tận dụng. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu làm đình trước đây cũng được chắp ghép từ 3 ngôi đình khác nên các vật liệu không đều nhau, khúc gỗ dài, ngắn khác nhau, có chỗ lợp ngói dày 40 – 50 cm nên khó khăn khi tái sử dụng.

“Hơn nữa thời gian đầu khảo sát, đình chưa hạ giải nên các cơ quan chuyên môn chưa đánh giá cấu kiện đầy đủ, sâu sát, sau khi hạ giải từng chi tiết mới thấy đa phần các cấu kiện hư hỏng nghiêm trọng, những cái gì còn tái sử dụng được chúng tôi sử dụng tối đa. Hiện nay, còn một số con chồng, đầu dư, cấu kiện chúng tôi đang phục chế và sẽ gắn lên khi thi công tiếp công trình. Với những cấu kiện không thể tái sử dụng được chúng tôi đã có kế hoạch bảo quản chặt chẽ, theo đúng quy định”, ông Nguyễn Văn Đản chia sẻ thêm. 
 
Tận dụng những cấu kiện cũ còn sử dụng được khi xây dựng đình mới. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Tận dụng những cấu kiện cũ còn sử dụng được khi xây dựng đình mới.
Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Tận dụng những cấu kiện cũ còn sử dụng được khi xây dựng đình mới. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Tận dụng những cấu kiện cũ còn sử dụng được khi xây dựng đình mới.
Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Những cấu kiện mới được dựng lên trong đình Đồng Kỵ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
Những cấu kiện mới được dựng lên trong đình Đồng Kỵ.
Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Cùng quan điểm như ông Đản, ông Nguyễn Đức Nghệ (khu phố Thanh Bình, phường Đồng Kỵ) chia sẻ: Nguyện vọng lớn nhất của nhân dân địa phương là có thể giữ lại những giá trị vốn có của ngôi đình. Đó là tài sản vô giá của cha ông để lại cho các thế hệ sau này. Tuy nhiên, sau khi hạ giải ngôi đình thì thấy hầu hết các hạng mục đều mục nát, vì vậy với những kết cấu có thể tái sử dụng lại, các cơ quan chức năng, chuyên gia cần hỗ trợ nhân dân địa phương sử dụng kỹ thuật mới bảo tồn giá trị ngôi đình được trường tồn với thời gian. Bên cạnh đó, những kết cấu gỗ có tuổi thọ ít thì nhân dân sẽ có kế hoạch xử lý hợp lý.

Trao đổi về thủ tục và quy trình trùng tu, tôn tạo đình Đồng Kỵ, ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, đánh giá: Khi tiến hành các biện pháp trùng tu, tôn tạo di tích, chính quyền địa phương đã phối hợp các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng quy trình từ lập hồ sơ, thiết kế, xin ý kiến thỏa thuận của Cục Di sản văn hóa theo quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện, hạ giải, đánh giá cấu kiện và tổ chức thi công đúng nguyên tắc tu bổ và bảo tồn di tích.

Tuy nhiên, việc kiểm tra thực tế công tác tu bổ, tôn tạo di tích cho thấy trong quá trình trùng tu, tu bổ, chủ đầu tư và chính quyền địa phương gặp nhiều khúc mắc về tái sử dụng cấu kiện sau hạ giải. Do nhiều cấu kiện xuống cấp nên không thể tái sử dụng đầy đủ, đúng theo nội dung thẩm định.

Tại buổi làm việc với Cục Di sản văn hóa, các chuyên gia đã khảo sát, đánh giá lại những cấu kiện kiến trúc có giá trị để đưa ra giải pháp sử dụng lại và trưng bày ở di tích. Trong thời gian tới, dưới sự giúp đỡ của Cục Di sản văn hóa, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nhân dân địa phương tiếp tục có giải pháp hoàn thiện công trình để bảo đảm giữ lại tối đa những cấu kiện có giá trị bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc ngôi đình.

Ông Nguyễn Hữu Mạo cũng khẳng định, với việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới nhất hiện nay đã được cơ quan nghiên cứu sử dụng trong nước và quốc tế, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhân dân Đồng Kỵ có thể yên tâm rằng những cấu kiện sau khi tái sử dụng có thể gìn giữ lâu dài hơn nhiều lần so với phương pháp bảo tồn truyền thống.

Thanh Thương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm