Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Căng Bắc Mê

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Căng Bắc Mê
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Cừ - TTXVN phát
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Cừ - TTXVN phát

Theo bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê: Căng Bắc Mê thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê được thực dân Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Căng Bắc Mê thời kỳ này thuộc tổng Yên Phú - Châu Vị Xuyên; sau cách mạng tháng 8/1945 thuộc Tiểu khu Bắc Mê, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. “Căng” phiên âm theo tiếng Pháp nghĩa là đồn binh, trại lính (theo tiếng địa phương Pác Mìa - nghĩa là cửa ngòi; cũng có tài liệu theo tiếng địa phương gọi là “Pạc Mia” nghĩa là khoảng 100 người Lô Lô bị chặt đầu tại đây). Qua năm tháng, những dấu tích và hiện vật của Căng Bắc Mê vẫn được người dân và chính quyền địa phương bảo tồn và đã trở thành địa chỉ “đỏ” trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Bắc Mê nói riêng.

Căng Bắc Mê là bằng chứng ghi dấu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng, là trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộng sản trong nhà tù của chế độ thực dân, đế quốc. Quần thể di tích lịch sử Căng Bắc Mê gồm 3 khu vực: Trung tâm Căng, khu vực nhà Bang tá và khu vực kho muối thuộc thôn Bản Noong, xã Lạc Nông. Trung tâm Căng Bắc Mê được xây dựng với diện tích khoảng 2.500 m2, gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà làm việc, nhà thông tin, nhà kho… Xung quanh Căng có hệ thống tường thành bảo vệ được xây bằng đá tảng, dài khoảng 190 m, cao 2 m; cách 10 m, có lỗ châu mai hình vuông. Với vai trò, ý nghĩa và giá trị lịch sử quan trọng, năm 1992, Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Qua những thăng trầm của lịch sử, Căng chỉ còn một số hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang như: Bản lề cánh cửa, gạch, ngói, xích tù nhân và phần còn lại của các ngôi nhà, tường thành, bốt gác nằm trong khu vực di tích. Khu vực di tích được trồng các loài cây, như: Tếch, đa, si, sữa... tạo nên cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh, cổ kính, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Năm 2003 và năm 2009, di tích lịch sử Căng Bắc Mê được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục như: Xây dựng nhà tưởng niệm tại khu di tích, đắp tường, làm bậc lên xuống bằng đá xẻ, dựng vọng gác, trồng mới và tôn tạo hệ thống cây xanh.

Ông Bùi Văn Tuân, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê cho biết: Là huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang, mảnh đất Bắc Mê vinh dự chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi nói riêng. Trong số các di tích trên địa bàn, tiêu biểu nhất là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Căng Bắc Mê. Đây là một vinh dự rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê, song cũng là một trọng trách cho cấp ủy, chính quyền phải thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về bảo tồn di tích. Những năm qua, huyện Bắc Mê đã thực hiện nhiều chủ trương và đạt được một số kết quả quan trọng ban đầu trong việc tôn tạo, bảo vệ di tích.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, tìm hướng đi cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa di tích cấp Quốc gia Căng Bắc Mê. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp giáo dục truyền thống giá trị lịch sử, văn hóa của Căng và lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các đơn vị, trường học; phát huy tiềm năng du lịch huyện Bắc Mê và giá trị lịch sử, văn hóa di tích cấp Quốc gia Căng Bắc Mê gắn với phát triển du lịch liên vùng Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Minh Tâm - Hồng Cừ

Có thể bạn quan tâm