Bắc Giang tạm dừng khai hội Xuân Tây Yên Tử và các lễ hội khác

Bắc Giang tạm dừng khai hội Xuân Tây Yên Tử và các lễ hội khác
Theo đó, tỉnh Bắc Giang tạm dừng tổ chức Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và các hoạt động trong Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh năm 2020; các lễ hội xuân truyền thống tại các địa phương. Đối với các lễ hội đã tổ chức khai mạc thì phải giảm quy mô, thời gian tổ chức; giảm các hoạt động trong lễ hội, hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người tham gia; bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại lễ hội, di tích.

Công điện cũng nêu rõ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia các hoạt động du xuân, lễ hội. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại hoạt động lễ hội, di tích.

Theo kế hoạch, Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử sẽ diễn ra vào ngày 5/2 (tức 12 tháng Giêng) năm 2020 nằm trong hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang diễn ra từ ngày 29/1 đến ngày 12/2 với hơn 20 hoạt động tại 10 huyện thành phố. Đây là năm thứ 2 tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch.

Theo ghi nhận, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa có trường hợp dương tính với virus nCoV; các biện pháp phòng, chống dịch vẫn đang được tỉnh cùng các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai. Trước đó vào này 31/1, UBND tỉnh Bắc Giang họp khẩn triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona.

Tại cuộc họp, nhấn mạnh tính cấp bách của nhiệm vụ phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái yêu cầu toàn tỉnh phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các cấp, ngành, địa phương phải chủ động ứng phó với dịch bệnh, không được chủ quan đồng thời không gây hoang mang trong nhân dân, đặc biệt quan tâm công tác phòng bệnh. Sở Y tế là cơ quan tham mưu; cấp ủy chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai các biện pháp. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế, trang bị phòng hộ; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; đồng thời xây dựng các phương án phòng chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị, hội thảo, ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch.
Đồng Thúy

Có thể bạn quan tâm