An Giang tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch

An Giang tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch
Ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, những năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh đã có những bước chuyển rõ rệt. Cấp ủy Đảng và chính quyền xác định du lịch là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động du lịch đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Lượng du khách đến An Giang năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010 toàn tỉnh đón 4,5 triệu lượt du khách; năm 2017 An Giang đón 7,3 triệu lượt khách. Năm 2017, giá trị đóng góp trực tiếp của ngành du lịch khoảng 3.700 tỷ đồng. 
 
Lễ hội đua bò Châu Đốc diễn ra đúng vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang). Ảnh: Công Mạo -TTXVN
Lễ hội đua bò Châu Đốc diễn ra đúng vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang). Ảnh: Công Mạo -TTXVN

Tháng 5/2017, tỉnh An Giang đã mời các chuyên gia nước ngoài đến khảo sát và đóng góp các giải pháp phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Ông Guillaume Van Grinsven, chuyên gia cấp cao của Tổ chức Hỗ trợ Quốc tế Hà Lan PUM (Programma Uitzending Managers) cho rằng, du lịch An Giang cần coi trọng các yếu tố an toàn và chất lượng dịch vụ tương xứng với giá trị. Trước mắt An Giang nên tập trung vào 4 sản phẩm trọng điểm khai thác du lịch đường bộ và đường thủy, cụ thể là: Núi Sam (thành phố Châu Đốc), Núi Cấm (Bảy Núi - huyện Tịnh Biên), Óc Eo (huyện Thoại Sơn), du lịch xanh và du lịch theo dòng, tạo tour nội tuyến Châu Đốc - Tịnh Biên - Thoại Sơn. 

Đầu tháng 1/2018, tại hội thảo “Phát triển Du lịch Việt Nam bền vững từ góc độ đa ngành và đa chiều” lần thứ 9 tại An Giang do Đại học HaWaii (Mỹ), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức, Tiến sĩ Ngô Thanh Loan - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã thông tin về đề tài nghiên cứu “Một số đề xuất sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh An Giang”. Đề tài này của Tiến sĩ Ngô Thanh Loan đề cập đến các sản phẩm du lịch tại An Giang như cảnh quan nông thôn, tìm hiểu đời sống người dân, tham quan, tham gia các hoạt động nông nghiệp, ẩm thực và homestay. Trong đó, An Giang cần chú ý đến những thách thức do những nét tương đồng với các tỉnh khác của đồng bằng sông Cửu Long; từ đó cần nâng cao chất lượng, tạo ra sự khác biệt về du lịch sinh thái, nông nghiệp, homestay, ẩm thực. An Giang cũng là trung tâm du lịch hành hương lớn nhất Nam Bộ, tập trung ở Miếu Bà Chúa Xứ  Châu Đốc…,hàng năm thu hút lượng du khách khá lớn. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tỉnh đang tập trung quy hoạch tổng thể du lịch. Trước mắt ưu tiên An Giang vào 4 khu trọng điểm có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng là Khu Du lịch tâm linh Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), sinh thái vùng sông nước tại cù lao ông Hổ - cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố  Long Xuyên) và Khu Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Tỉnh cũng tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt môi trường, hoạt động kinh doanh tại các khu, điểm du lịch; phối hợp với các  đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, lễ hội và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

An Giang, vùng đất đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long, là 1 trong 4 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm thứ 5 của quốc gia, là trung tâm kinh tế thương mại vùng và khu vực. An Giang cũng là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Thái Lan. Tỉnh có hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ tiện lợi cho việc vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách trong vùng và khu vực, đó là quốc lộ 91 và quốc lộ 80 nối liền từ Đông sang Tây giáp với Vương quốc Campuchia, sông Tiền và sông Hậu chảy xuyên qua địa phận An Giang và đổ ra biển Đông. 

An Giang cũng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, An Giang cũng là tỉnh có đa dân tộc, đa tôn giáo với 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng chung sống, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo… 

Phát huy lợi thế về tiềm năng du lịch, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, du lịch An Giang mong muốn sẽ trở thành điểm đến “hội tụ - khám phá - lan tỏa” ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Vương Thoại Trung  
TTXVN

Có thể bạn quan tâm