Âm nhạc Việt Nam luôn gắn liền với dân tộc, chủ nghĩa yêu nước

Âm nhạc Việt Nam luôn gắn liền với dân tộc, chủ nghĩa yêu nước
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết: 60 năm qua, dòng chủ lưu của âm nhạc Việt Nam vẫn là âm nhạc bắt nguồn từ mạch nguồn dân tộc, gắn liền với dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Các tác phẩm âm nhạc đã góp phần ca ngợi cuộc sống, lao động, sáng tạo; ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ, vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người. Bên cạnh các thế hệ nhạc sĩ lão thành vẫn miệt mại sáng tác, lớp nhạc sĩ trẻ đã xuất hiện, dần khẳng định vai trò, tiếng nói trong làng âm nhạc. Nhìn lại chặng đường 60 năm âm nhạc Việt Nam, có thể thấy đây là nền âm nhạc đi lên, trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, chính thức ra đời từ tháng 12/1957 cùng với sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đến nay, âm nhạc Việt Nam là nền âm nhạc hoàn chỉnh với nhiều dòng âm nhạc: Âm nhạc dân gian dân tộc; âm nhạc kinh điển hàn lâm và âm nhạc đại chúng. 

Hội thảo " 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng hành cùng dân tộc " . Ảnh: Thanh Nhã - tamnhin.net.vn
Hội thảo " 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng hành cùng dân tộc " .
Ảnh: Thanh Nhã - tamnhin.net.vn

Hơn 30 tham luận được gửi tới hội thảo đều là những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia về âm nhạc Việt Nam và quốc tế. Các đại biểu đều thống nhất rằng 60 năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ với những thăng trầm của dân tộc, qua các cuộc đấu tranh gian khổ để đến ngày đất nước thống nhất. Các tác phẩm âm nhạc từ buổi đầu cách mạng vẫn luôn sống mãi với thời gian, ẩn sâu trong ký ức của bao người con nước Việt. 

Nhà phê bình lý luận Nguyễn Thị Minh Châu khẳng định: “60 năm cuộc đời” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam không chỉ tựa như cuộc đời một con người, mà là cộng lại nhiều cuộc đời của nhiều thế hệ. Đây là sự liên kết và nối tiếp sự nghiệp âm nhạc của trên 1.400 hội viên, trong đó nhiều người đã ra đi mà tác phẩm vẫn để lại cho đời, nhiều người đang sung sức trong sáng tạo vì tương lai của nền âm nhạc nước nhà. 

Nhạc sĩ Văn Thu Bích, Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng nêu rõ: Giờ đây, bên cạnh các chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi, khán giả liên tục đón nhận những chương trình ca nhạc, liveshow của các ca sĩ trẻ. Công chúng được tự do lựa chọn dòng nhạc mình yêu thích. Đó là nỗ lực dung hòa của Hội Nhạc sĩ Việt Nam qua các nhiệm kỳ. Trong giao lưu quốc tế có những đóng góp không nhỏ của Hội trong các sự kiện quy mô như: Festival Beethoven tại Born (Đức), Festival âm nhạc mới Âu-Á tại Kazan (Tatarstan)…Các sự kiện văn hóa khu vực, quốc tế, trong nước có sự hiện diện của nhiều nhạc sĩ là hội viên của Hội. Lĩnh vực giáo dục âm nhạc được phát triển, đã đào tạo ra một thế hệ nhạc sĩ tài năng, đoạt nhiều giải thưởng của Việt Nam và quốc tế… 

Theo thống kê của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tự Lân, chỉ tính từ năm 1957 đến năm 2000, các nhạc sĩ Việt Nam nói chung, phần lớn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có 167 chuyên khảo, công trình kiến giải về văn hóa âm nhạc Việt Nam, 319 chuyên khảo, công trình nghiên cứu về nhạc hát, nhạc đàn cổ truyền Việt Nam, 138 công trình nghiên cứu về nhạc sân khấu cổ truyền Việt Nam, 496 công trình, chuyên khảo về nhạc hát mới, nhạc đàn mới Việt Nam. Và để tính đủ 60 năm có mặt Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng ta sẽ thấy những con số ấy còn lớn thêm nhiều nhiều hơn nữa. 

Qua đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tự Lân nhấn mạnh: Đó không hẳn chỉ là những con số mà còn là điều khiến chúng ta tự hào, biết ơn các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc vì những tâm huyết họ để lại cho đời sau... Điều mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tự Lân mong chờ là có những công trình cơ bản hơn, tầm cỡ hơn về mỹ học âm nhạc, về lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Mỹ Bình 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm