Văn hóa vùng Tây Nguyên

Văn hóa vùng Tây Nguyên
Hội nhà mồ: Dân tộc ít người như Gia Rai, Ba Na, sau mỗi lần có người thân trong gia đình qua đời, đều làm mồ mả cho đẹp, sau đó tổ chức ăn mừng nhà mồ. Vì vậy ngày lễ không có thời gian mà tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nhà mồ Tây Nguyên có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của họ, những gì có ở nhà mồ không chỉ dành cho người đã chết mà còn là niềm tin cho người đang sống. Người Ba-Na, Gia-Rai tin rằng linh hồn người chết sẽ biến hóa những thứ để trong nhà mồ sẽ có thêm nhiều hơn nữa, như tượng các con vật nuôi, những dao rựa, cung nỏ săn bắn v.v… tức phù hộ cho người sống gặp may mắn khi nuôi súc vật, đi rừng hay săn bắn.
 
Tượng gỗ nhà Mồ

Lễ khấn tỉa lúa: ở Gia Lai, Kontum gọi là lễ Sámãh Zmulba. Người Ba Na làm lễ khấn tỉa lúa ở nhà hay trên nương như hình thức cáo yết với các thần núi, thần nước, công việc tỉa lúa sắp bắt đầu, họ cầu xin thần linh phù hộ cho nương rẫy của mình được xanh tốt, lúa sinh sôi nảy nở, vật nuôi trong nhà thêm đông. Khấn vái xong người Ba Na lấy một ít thóc trộn với máu gà rồi đem đi gieo tỉa, lấy cây chọc vào mảnh đất để vài hạt thóc vào lỗ tượng trưng cho vụ cấy sắp đến. Sau nghi thức đến tiệc rượu, ngày hôm sau mới bắt đầu công việc tỉa hạt.
Tỉa lúa để về làm Lễ khấn tỉa lúa

Lễ mở cửa rừng: thông thường vào ngày 7/1ÂL, họ dâng lễ cúng bái xin mở cửa rừng, cầu xin bộ hạ của chúa Sơn Lâm đừng đến giết hại người Ba Na khi đang ở nhà hay đang săn bắt trong rừng. Lễ mở cửa rừng gồm một đôi gà có trống có mái. Chủ tế cùng một số trai gái tiến vào đàn. Con trai đóng khố mang 3 mũi tên, con gái mặc váy và yếm. Sau khi cắt tiết gà đổ xuống đất, họ bắt đầu điệu múa săn gà, phụ nữ đóng vai con mồi, còn thanh niên đóng vai người đi săn, phỏng theo các động tác đi săn mồi và con thú bị dồn đuổi.
 
Lễ mở cửa rừng

Lễ trồng cột: vào khoảng tháng 9 ÂL, và cứ đủ một giáp 12 năm mới làm lễ/ lần, với ý nghĩa trồng các cây cột để giữ sự bình yên cho đất đai. 11 chiếc cột có hình như dùi trống được đem trồng ở bãi đất bằng, cây cột chính trồng ở giữa, 10 cây cột còn lại trồng chung quanh. Một con trâu mập mạp, cùng bộ sừng và đuôi có cài bông hoa được đem ra tế thần, khi đó thầy mo lo việc cúng tế còn thanh niên nam nữ từng tốp nhảy múa, đánh cồng, thổi khèn ở quanh 11 cây cột.

Lễ cơm mới: Tổ chức từ tháng chạp đến tháng 3 ÂL, người Thái coi “lễ cơm mới” giống như tết Nguyên Đán của người Kinh. Từ sáng sớm, các cô gái mặc quần áo đẹp đi đến bàn thờ tổ tiên xin dự lễ. Mọi người trong gia đình làm động tác khênh thóc gạo từ trên gác xuống để các cô đem đi giã gạo, nhuộm màu và nấu cơm, nấu xôi. Lễ cơm mới ngoài xôi cúng còn có con cá được gói trong lá chuối với bột gạo bao ngoài có dây buộc chặt. Sau khi bày mâm cúng, thầy mo hay gia chủ làm lễ gọi hồn vía những người đã chết về vui tết với con cháu. Trong lễ cơm mới, buôn làng thường tổ chức nhiều trò chơi cổ truyền để mua vui trong ngày lễ.
 
Lễ cúng trời: Đây là lễ tạ ơn Giàng đã phù hộ và cầu cho vụ mùa sau sẽ tốt hơn. Đàn cúng được lập giữa trời gồm lúa, ngô, kê, bắp, bầu, bí, gà, heo. Trong khi thầy mo cúng trời, trai gái nhảy múa chung quanh đàn đang làm lễ, nhằm mua vui cho các thần linh về hưởng lễ vật...

Lễ cúng bến nước của người Ê Đê: Lễ này nhằm cầu khấn cho nước luôn chảy trong, chảy suốt và chảy sạch. Hàng năm, vào khoảng giữa cuối tháng Chạp, sau khi thu hoạch xong mùa màng, bà con Êđê sắm sanh lễ vật để cúng bên nước, cầu thần linh ban phước cho dân làng dồi dào sức khoẻ, làm ăn khá giả, buôn thôn đoàn kết. Lễ vật cúng thần bến nước của người Êđê gồm một con heo có đốm trắng trên đầu và ché rượu cần. Tại bến nước, bà con dựng cái cổng bằng tre lô ô để báo cho dân làng biết ngày tổ chức lễ cúng, không được lấy nước tại bến.
 
Lễ cúng bến nước của người Êđê

Theo thongtinnongthon.vn
thongtinnongthon.vn

Có thể bạn quan tâm