Văn hóa của người Xê Đăng ở Kon Tum

Văn hóa của người Xê Đăng ở Kon Tum
Văn hóa của người Xê Đăng ở Kon Tum ảnh 1
Các chị em phụ nữ làng Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đang tập các động tác múa Chiêu. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ngay khi nhìn thấy mái nhà rông cao vút cùng tiếng reo vui của đàn trẻ em chơi trốn tìm dưới bóng hàng cây xanh, bao mệt mỏi của quãng đường khó khăn bỗng dưng tan biến hết. Xã Rờ Kơi có đến 569 hộ nghèo, 140 hộ cận nghèo trên tổng số 1.289 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Xê Đăng. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng người dân nơi đây vẫn một lòng theo Đảng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. 

Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) A Dẻo cho biết: Cuộc sống bà con địa phương còn nhiều thiếu thốn nhưng vẫn luôn giữ được nét văn hóa dân tộc. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các lễ hội để giao lưu bảo tồn văn hóa, bà con còn lập ra nhiều lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên như diễn tấu cồng chiêng, múa chiêu, múa xoang, hát dân ca, chế tác nhạc cụ, đan dệt… 

Xã Rờ Kơi có 6 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước vinh danh. Nghe có khách đến thăm, lần lượt từng người tập trung về nhà Nghệ nhân ưu tú A Hia để mong có dịp giao lưu trình diễn văn hóa cho du khách. 6 nghệ nhân ưu tú tuy đã cao tuổi nhưng tình yêu với các nhạc cụ dân tộc, với các làn điệu dân ca hay điệu múa vẫn còn vẹn nguyên như ngày trẻ. Xế chiều, được ngồi thưởng thức văn hóa Xê Đăng, người đàn, người hát, người múa mới thấy cuộc sống của bà con thật mộc mạc, yên bình. Già A binh, làng Kram cười hiền hậu nói: “Tuổi già nhưng tinh thần đâu có già. Chúng tôi tích cực truyền dạy cho lớp trẻ để sau này chúng nó còn nhớ đến mình, nhớ về văn hóa dân tộc.” 

Xã Rờ Kơi còn được biết đến với món ẩm thực nổi tiếng cá gỏi kiến vàng. Cá suối chọn loại vừa khoảng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước cho đỡ tanh. Kiến vàng được bà con bắt tận tổ kiến đang có nhiều trứng non trong rừng. Giã nhỏ gia vị gồm muối hột, ớt xanh, tiêu rừng rồi trộn cá, kiến vào, thêm chút thính gạo để dậy mùi thơm. Món này ăn bằng tay, lấy hỗn hợp đó cho vào giữa lá sung, cuốn lại và thưởng thức vị ngọt của cá, vị chua của kiến, cay nồng của ớt, tiêu… mang đến cho du khách lần đầu thưởng thức một ấn tượng khó quên. 

Du khách đến Rờ Kơi như lạc vào một lễ hội văn hóa người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên thu nhỏ. Không chỉ được chìm đắm trong tiếng cồng chiêng, du khách còn được thấy những bước xoang, vũ điệu múa chiêu uyển chuyển mà chỉ có riêng ở Rờ Kơi mới đặc sắc, riêng biệt như thế. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh người phụ nữ miệt mài dệt thổ cẩm đến quên cả thời gian. Rồi lang thang trong làng, trẻ con sẽ kéo tay du khách đến nhà những nghệ nhân làm trống da bò, ghế mây hay những gia đình cất giữ những bộ chiêng, ché cổ hàng trăm năm tuổi. Tối đến, mọi người cùng quây quần bên đống lửa bập bùng cạnh nhà rông nghe già làng kể chuyện lập làng, đuổi thú hay chuyện tình yêu mãnh liệt của đôi nam nữ thành truyền thuyết trong làng… 

Điểm nhấn của Rờ Kơi là điệu múa chiêu đặc sắc của người H'Lăng (một nhánh của người dân tộc Xê Đăng). Cuối năm 2017, huyện Sa Thầy sẽ thực hiện kế hoạch “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2017-2020". Theo đó huyện sẽ mở lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, dân vũ, dân ca. Đặc biệt, riêng tại địa bàn xã Rơ Kơi, huyện chú trọng phục hồi điệu múa chiêu truyền thống của tộc người H’Lăng nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. 

Có một điều đặc biệt nữa của xã biên giới này là trong thời chiến, Rờ Kơi có rất nhiều anh hùng được ghi danh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống cha anh, ngày nay, đi bất cứ nhà nào, bà con dù theo đạo gì, tấm ảnh Bác Hồ cũng được treo nơi trang trọng nhất trong nhà. Bà con luôn lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra để học tập, phát triển quê hương. 

Chủ tịch A Dẻo lưu luyến khi tiễn chân chúng tôi. Ông nói: “Vì lượng du khách đến với Rờ Kơi chưa nhiều, chính quyền cũng chưa có chính sách phát triển thành địa điểm du lịch, song với những nét văn hóa rất đặc trưng của người H’Lăng, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều lượt du khách đến thăm xã vùng biên Rờ Kơi này để góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, tăng thu nhập cho bà con”. 
Hồng Điệp
TTXVN

Có thể bạn quan tâm