Vận hành xả đập kiểm soát lũ sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên

Vận hành xả đập kiểm soát lũ sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên
Đập hơi Trà Sư xả lũ, cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng cho vùng hạ du. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
 Đập hơi Trà Sư xả lũ, cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng cho vùng hạ du. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, do lũ năm nay về muộn và thấp hơn mọi năm nên thời gian xả lũ muộn hơn 1 tháng so với năm 2018. Hơn nữa, hiện các đơn vị thi công đang chặn dòng để thi công 2 cống Trà Sư và Tha La (nhằm thay thế 2 đập hơi cao su Tha La và Trà Sư đã xuống cấp) nên năm nay chỉ xả 1 đập Trà Sư nhằm chủ động lấy phù sa, tháo chua rửa phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên, đồng thời đây cũng là dịp để bà con nông dân cho đất “nghỉ ngơi”. Trước khi tiến hành vận hành xả lũ ở Trà Sư, tỉnh An Giang đã thống nhất thời gian xả đập với tỉnh Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, đồng thời thông báo thời gian vận hành xả lũ trước 3 ngày trên các phương tiện truyền thông cho bà con và các địa phương biết để chủ động các phương án ứng phó. Tại thời điểm xả lũ,  mực nước lũ sông Cửu Long ở báo động I. Cụ thể, ngay thời điểm xả lũ, nước ngoài đập xả Trà Sư là 3,28m, trong đập là 2,18m (thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 0,62m ngoài đập và 0,27m trong đập), chênh lệch cột nước là 1,10m.
Cống Trà Sư đang xây dựng dở dang, nhưng phải tạm dừng thi công để thực hiện xã lũ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Cống Trà Sư đang xây dựng dở dang, nhưng phải tạm dừng thi công để thực hiện xã lũ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
“Sau khi xả đập, mực nước nội đồng khu vực tỉnh An Giang có khả năng tăng thêm khoảng 0,30m; khu vực thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang tăng thêm khoảng 0,20m. Việc mực nức tăng thêm không ảnh hưởng nhiều dến hoạt động sản xuất của bà con vùng hạ du”, ông Khường cho biết. Theo ông Nguyễn Đức Duy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hai đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000 . Nhiệm vụ chính của 2 đập là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây; ngăn lũ đổ về phía Nam Quôc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông cho vùng Tứ Giác Long Xuyên. Đến nay, gần 20 năm đưa vào sử dụng, hai đập Tha La và Trà Sư đã xuống cấp, ảnh hưởng tới việc vận hành quy trình xả lũ của cả hai đập này. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ đập hơi này đã không còn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thi công xây dựng cống bằng bê tông thay thế hai đập cao su Tha La, Trà Sư nhằm phục vụ tốt hơn truy trình kiễm soát lũ cho khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên. Tổng vốn đầu tư hai đập này là hơn 200 tỷ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Khi hai cống bê tông Tha La, Trà Sư hoàn thành sẽ giúp quá trình vận hành xả lũ vùng Tứ giác Long Xuyên được chủ động, linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, với hệ thống cống bê tông mới sẽ giúp giao thông thủy được thuận lợi hơn trước đây (trước đây hai đập cao su Tha La, Trà Sư chặn dòng nên các phương tiện thủy không thể qua lại). “Nếu đúng tiến độ thì năm nay là năm cuối cùng đập hai đập Tha La, Trà Sư thực hiện chức năng kiểm soát lũ sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên” - ông Duy chia sẻ. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn An Giang, ngày 4/10, mực nước tại các trạm đầu nguồn đo được tại Tân Châu, Châu đốc là 3,04m và 2,97m; dưới báo động I từ 0,46m đến 0,03m; thấp hơn so với cùng cùng kỳ năm 2018 từ 0,71m đến 0,48m. Dự báo trong những ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu xuống nhanh theo triều; khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước biến đổi chậm trong 1-2 ngày đầu, sau đó lên lại.

Công Mạo

Có thể bạn quan tâm