Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam

Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ninh Đức Phương - TTXVN.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ninh Đức Phương - TTXVN.

Hội thảo là một trong nhiều sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 1050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018). Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, kết quả của cuộc hội thảo khoa học là cơ sở để đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, thành tựu, hạn chế của Nhà nước Đại Cồ Việt cũng như những ảnh hưởng của giai đoạn lịch sử quan trọng trong suốt quá trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua đó, đúc rút những kinh nghiệm quý báu làm bài học cho hiện tại và các thế hệ tương lai tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Kết quả của hội thảo cũng sẽ giúp Ninh Bình có thêm những tài liệu khoa học cần thiết để phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, làm giàu có thêm vốn văn hóa của vùng đất cố đô lịch sử. 

Tại hội thảo có 57 ý kiến tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tập trung làm nổi bật những thành tựu của Nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; đánh giá về vị trí, vai trò và những đóng góp cũng như những bài học kinh nghiệm lịch sử của thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. 

Với quan điểm khách quan khoa học, với những nhận thức khoa học mới và cách tiếp cận hiện đại, có hệ thống bằng những nguồn tư liệu, tài liệu mới, toàn diện với nhiều khía cạnh khác nhau, các đại biểu dự hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu như: Nêu bật và làm sáng rõ sự kiện đánh dẹp, thu phục 12 sứ quân, chấm dứt thời kỳ xung đột, cát cứ; việc xưng đế hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng được xem như là sự tiếp nối quốc thống của các vua Hùng dựng nước; đồng thời khẳng định vị thế độc lập tự chủ của Nhà nước Đại Cồ Việt; ý nghĩa lịch sử của việc thống nhất quốc gia, coi đó là sự kiện có tính bước ngoặt, mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta... 

Mặt khác, các đại biểu dự hội thảo còn làm rõ các hoạt động ngoại giao mềm dẻo nhưng cương quyết, với các chính sách thúc đẩy xây dựng phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp của Nhà nước Đại Cồ Việt; vai trò của Phật giáo, những phong tục tập quán và lễ hội dân gian truyền thống thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt. Bên cạnh đó,  các đại biểu trao đổi các vấn đề khoa học liên quan tới Nhà nước Đại Cồ Việt chưa được thống nhất cao trong giới nghiên cứu khoa học như: Nguồn gốc, gia thế và quá trình hình thành thế lực Đinh Bộ Lĩnh trước khi dẹp loạn 12 sứ quân; về vấn đề Quốc hiệu Đại Cồ Việt hay Đại Việt; vai trò của giới tăng lữ đối với vương triều Đinh.
Đức Phương 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm