Vai trò của công nghệ mã vạch không tiếp xúc tại Mỹ

Giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” ở nhiều nơi trên thế giới. Cũng chính bởi những nguyên tắc bình thường mới này, chưa bao giờ công nghệ mã vạch (QR code) lại phổ biến như hiện nay ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ, nhất là tại các thành phố và bang lớn như New York.

Vai tro cua cong nghe ma vach khong tiep xuc tai My hinh anh 1Quét mã QR “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” (EU digital COVID certificate) được cài đặt trên điện thoại thông minh tại sân bay Liege, Bỉ, ngày 16/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Để được phục vụ, giờ đây thực khách chỉ cần dùng điện thoại cá nhân quét lên bảng mã vạch của nhà hàng đặt sẵn trên từng bàn lập tức sẽ truy cập được thực đơn và gọi đồ một cách dễ dàng mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên của quán. Khách hàng cũng có thể tự nhập thông tin thẻ và trả tiền khi dùng bữa xong mà không phải tiếp xúc với bất kỳ ai.

Chỉ cách đây một năm rưỡi, khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, việc khách quét mã vạch, gọi đặt đồ trong quán ăn, nhà hàng mà không tiếp xúc với nhân viên của quán, gần như chưa hề tồn tại ở Mỹ. Nước Mỹ trước đây không mặn mà với mã vạch, dù một số nước như Nhật Bản hay Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ này trong một số lĩnh vực từ cách đây hàng chục năm. Thế nhưng giờ đây, mã vạch trở thành công nghệ không thể thiếu tại hầu hết các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ, có tới một nửa số nhà hàng quy chuẩn trên toàn nước Mỹ đã chuyển sang sử dụng thực đơn dùng mã vạch kể từ khi đại dịch xảy ra. Hiệp hội cũng cho biết ứng dụng mã vạch đã giúp các quán ăn, nhà hàng tiết kiệm được tới 30-50% chi phí nhân công lao động, thậm chí có những quán hoàn toàn không thuê nhân viên ghi thực đơn và thanh toán nữa.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New York, chị Olga Pozhayrybko, quản lý nhà hàng Bierhaus cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ mã vạch rộng rãi tại các nhà hàng rõ ràng hiệu quả bởi khách hàng và cả nhân viên phục vụ đều cảm thấy an tâm hơn. Hiện tại, tôi cho rằng đây là cách an toàn nhất đối với khách tới dùng bữa tại nhà hàng cho nên chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục áp dụng phương thức này trong thời gian tới".

Trong khi đó, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương tại New York, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhận định rằng việc ứng dụng mã vạch và các công nghệ khác phục vụ đời sống xã hội là hướng đi đúng, đặc biệt trong thời đại 4.0. Ông Hùng cho biết đa số quán ăn, nhà hàng tại New York hiện đều sử dụng công nghệ mã vạch giúp khách hàng cảm giác yên tâm hơn khi đi vào những nơi đông người, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Ông chia sẻ với phóng viên TTXVN tại New York: “Việt Nam cũng nên áp dụng rộng rãi công nghệ mã vạch trong đời sống hàng ngày cũng như trong thanh toán điện tử, rất hữu ích mà lại giúp chúng ta bảo vệ được bản thân trong thời điểm dịch COVID-19".

Phân tích của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ cũng cho thấy khi quét mã vạch, thực đơn hiển thị trên điện thoại thông minh của khách nhìn đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn và do đó, cũng khiến khách muốn đặt thêm đồ ăn, uống. Thực đơn đặt qua mã vạch cũng giúp cho các nhà hàng thống kê nhanh chóng, dễ dàng những món đồ ăn, đồ uống bán chạy nhất và nhờ vậy, có thể điều chỉnh thực đơn và dự trữ thực phẩm phù hợp với nhu cầu của khách, giúp gia tăng doanh thu bán hàng.

Tuy nhiên, không ít khách hàng cũng băn khoăn rằng việc sử dụng mã vạch trên chính điện thoại cá nhân của họ có thể khiến nhà hàng biết được thói quen tiêu dùng của họ, và thậm chí tiếp cận được cả những thông tin cá nhân khác, ảnh hưởng tới quyền riêng tư bởi mã vạch có thể lưu trữ thông tin về việc mã vạch đó được quét ở đâu, khi nào, và bao nhiêu lần.

Công nghệ mới, và cả đại dịch COVID-19, đang làm thay đổi cuộc sống của người dân trên toàn thế giới theo nhiều cách. Những trải nghiệm mới như ứng dụng công nghệ mã vạch tại các quán ăn, nhà hàng rõ ràng đang giúp ngành công nghiệp ăn uống và cả thực khách yên tâm hơn trong thời đại dịch. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ này như thế nào để đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng vẫn còn là một vấn đề cần nghiên cứu và có giải pháp. 

Hải Vân- Quang Huy

Tin liên quan

Số phận của thói quen bắt tay sau đại dịch COVID-19

Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên toàn thế giới vào khoảng đầu năm 2020, hình ảnh những cái bắt tay vốn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác bỗng trở thành điều cấm kỵ vì đó là một trong những thói quen bị cho là góp phần làm lây lan virus SARS-CoV-2. Sau hơn một năm, khi một số quốc gia như Mỹ dần dỡ bỏ những quy định hạn chế sau khi triển khai những chiến dịch tiêm phòng COVID-19 thần tốc và trên diện rộng, những cái bắt tay cũng đang dần trở lại. Nhưng cử chỉ từng là khởi đầu của mọi mối quan hệ này liệu có thực sự được như xưa?


Đại dịch COVID-19 làm thay đổi phong cách thời trang công sở

Không còn những bộ quần áo đặt may riêng hay những bộ vest lĩnh lãm, giờ đây con người bắt gặp nhiều hơn những bộ đồ thể thao, thậm chí đồ ngủ khi làm việc trực tuyến. Dịch COVID-19 hoành hành không chỉ thay đổi cuộc sống, thói quen làm việc mà còn thay đổi cả phong cách thời trang công sở của con người.


Sự lên ngôi của robot AI trong thời COVID-19

Hình ảnh của những chú robot có thể làm được những việc như con người đã gây ấn tượng mạnh cho những khách hàng tham dự Hội chợ Dịch vụ thương mại quốc tế Trung Quốc (CIFTIS), với chủ đề "Dịch vụ toàn cầu, Thịnh vượng chung", khai mạc ngày 4/9 tại thủ đô Bắc Kinh.


Phương pháp chẩn đoán COVID-19 bằng công nghệ AI không tiếp xúc

Tận dụng tính năng vượt trội của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hai công ty khởi nghiệp của Israel mới đây đã phát triển hai phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành trên thế giới. Đáng chú ý là các phương pháp này đều không cần sự tiếp xúc, mà thay vào đó sử dụng ánh sáng và giọng nói.



Đề xuất