Vải thiều Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại thị trường Pháp

Vải thiều Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại thị trường Pháp
Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Nguyễn Cảnh Cường
Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Nguyễn Cảnh Cường

Lô vải này đã được xử lý xông hơi lưu huỳnh để diệt trứng và các loài sâu bọ có thể bám trên vỏ quả vải, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để được nhập khẩu vào Pháp.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết ý tưởng đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp đã được Thương vụ triển khai từ gần một năm nay. Vào thời điểm thu hoạch mùa vải thiều năm ngoái, báo chí trong nước đưa tin nông dân trồng vải gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Thương vụ khi đó đã vào cuộc, nghiên cứu, tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sang Pháp.
 
Qua tìm hiểu, được biết vải là một loại trái cây được người tiêu dùng Pháp ưa thích. Vải bán trong các siêu thị tại Pháp được nhập từ Nam Phi và Madagascar, tuy nhiên, chất lượng thì không thể so sánh với quả vải Việt Nam. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu quả vải sang Pháp không hề dễ do những yêu cầu kỹ thuật về xử lý và bảo quản cộng với cước phí vận chuyển cao do khoảng cách địa lý.
 
Trong quá trình tiếp xúc với các đối tác, Thương vụ đã nhận được sự hưởng ứng của siêu thị Thanh Bình Jeune-một công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng Việt Nam tại Pháp, do công ty này đã từng phân phối vải thiều có nguồn gốc từ các nước khác nên đã nắm được nhu cầu của thị trường và quy trình kiểm soát chất lượng vải  để hải quan Pháp cho phép nhập khẩu vào Pháp. Chính vì vậy, trong năm 2015 này, quả vải Việt Nam sẽ xâm nhập thị trường Pháp qua hệ thống phân phối của siêu thị Thanh Bình Jeune ở Paris và Lyon.

Vải thiều Lục Ngạn được xử lí lưu huỳnh để để diệt trứng và các loài sâu bọ
Vải thiều Lục Ngạn được xử lí lưu huỳnh để để diệt trứng và các loài sâu bọ

Liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết nếu ở Mỹ yêu cầu để được nhập khẩu là hoa quả phải chiếu xạ thì ở các nước châu Âu có quy định chung là phải được xử lý xông hơi lưu huỳnh để diệt các loại sâu bọ. Công ty Thanh Bình Jeune cùng với Thương vụ đã tìm được ông Michel Pierre, một kỹ sư nông học người Pháp, chuyên gia về các loại quả, đang phụ trách dự án giúp Madagascar bảo quản và xuất khẩu vải sang Pháp và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
 
Có mặt tại Việt Nam trong những ngày này, ông Michel Pierre sẽ trực tiếp cùng với ông Ngô Minh Đường, Tổng Giám đốc công ty Thanh Bình Jeune chọn vải và xử lý xông hơi lưu huỳnh cho các lô vải thiều xuất sang Pháp. Ngoài ra, ông cũng sẽ thực hiện hai khóa huấn luyện kỹ thuật tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương để chuyển giao công nghệ xử lý và bảo quản cho các cán bộ kỹ thuật địa phương. Xử lý kỹ thuật được coi là khâu quan trọng trong việc giúp trái vải Việt Nam xâm nhập thị trường Pháp.
 
Nếu thị trường phản ứng tích cực thì công ty Thanh Bình Jeune sẽ tiếp tục nhập khẩu vải vào Pháp trong các chuyến hàng tiếp theo trong tháng 6. Ngoài đường hàng không, Thanh Bình Jeune dự kiến đưa một số lượng lớn vải thiều sang Pháp bằng đường biển nếu công nghệ xử lý cho phép bảo quản trái vải tươi nguyên trong vòng 5 tuần nhằm giảm bớt các chi phí vận chuyển. Tổng cộng số lượng vải tươi dự kiến xuất sang Pháp trong mùa vải năm này là 8 tấn.
 
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nếu trái vải Việt Nam xâm nhập thành công thị trường Pháp, điều này sẽ mở đường cho việc xâm nhập sang các thị trường lân cận. Ngoài ra, Thương vụ cũng kỳ vọng là 2016, một số lượng lớn hơn vải thiều Việt Nam sẽ sang Pháp và sẽ không chỉ được phân phối trong chuỗi siêu thị Thanh Bình Jeune mà còn mở rộng sang hệ thống các siêu thị khác có mạng lưới phân phối rộng hơn chẳng hạn như là tập đoàn Casino - công ty mẹ của chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam. Ông cũng kỳ vọng rằng công nghệ bảo quản và khử trùng do ông Michel Pierre hướng dẫn có thể giúp Việt Nam đưa sang châu Âu các loại hoa quả khác mà Việt Nam có thế mạnh. Ông cũng đề cập đến một dự án phát triển bền vững và an toàn cây vải trong cả quá trình trồng và chăm sóc nhằm tạo điều kiện thuận lợi để trái vải có thể được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.

Có thể bạn quan tâm