Vải thiều sớm Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi

Anh Lý Văn Bảo, thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) chăm sóc diện tích vải thiều đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN
Anh Lý Văn Bảo, thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) chăm sóc diện tích vải thiều đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến 15 giờ ngày 1/6, tổng sản lượng vải thiều sớm của tỉnh tiêu thụ ước đạt 16.725 tấn, với giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg (giá đầu vụ có lúc được 45 nghìn đồng/kg).

Vải thiều sớm Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi ảnh 1 Anh Lý Văn Bảo, thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) chăm sóc diện tích vải thiều đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Vải thiều sớm của Bắc Giang tập trung chủ yếu tại huyện Tân Yên và huyện Lục Nam đang trong thời gian thu hoạch rộ, tiêu thụ cơ bản thuận lợi, hiện mỗi ngày riêng tại huyện Tân Yên bình quân tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn. Hiện chỉ có thương nhân, thương lái người Việt Nam thu mua vải thiều Bắc Giang, chưa có thương nhân Trung Quốc.

Các thương nhân thu mua tại các điểm cân, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ bằng các xe container, xe tải, xe máy. Thị trường tiêu thụ của vải thiều Bắc Giang đầu vụ này chủ yếu là ở trong nước như tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, … và các tỉnh lân cận.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn, vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Hàng năm, giá trị sản xuất vải thiều ước đạt khoảng 4.000 – 4.500 tỷ đồng (chưa tính thêm doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ), chiếm 25 - 28% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh.

Vụ năm 2020 này tuy tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng vải thiều của tỉnh dự kiến vẫn đạt sản lượng khoảng 160 nghìn tấn, cao hơn 10 nghìn tấn so với năm trước.

Có được kết quả này là do sự tập trung cao của các địa phương, các ngành, người dân ở tỉnh trong mở rộng diện tích sản xuất vải chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Nhiều giải pháp kỹ thuật mới được áp dụng, cùng với cách làm sáng tạo trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của các chủ vườn nên năng suất, chất lượng và mẫu mã quả vải thiều Bắc Giang năm nay đẹp hơn.

Tỉnh Bắc Giang đã chủ động tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, sớm xây dựng kế hoạch, các phương án, kịch bản và các giải pháp tiêu thụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến tìm hiểu, thu mua, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch với các phương án và kịch bản tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều khác nhau. Việc tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay của tỉnh Bắc Giang được đổi mới theo hình thức trực tuyến, sẽ diễn ra vào ngày 6/6/2020 tới, với 62 điểm cầu trong nước, trong đó điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang và 2 điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc.

Tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản, trong đó có vải thiều. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu, tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống. Đồng thời, tỉnh tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Riêng đối với thị trường Nhật Bản, phía bạn đã chấp nhận 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha. Đồng thời, tỉnh cũng mở rộng xuất khẩu vải thiều vào các thị trường khó tính khác như: Trung Đông, EU, Mỹ, Canada...

Để vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều. Chuẩn bị đủ nguồn vốn, tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền cho lưu thông, mua bán, xuất khẩu vải thiều; nguồn điện sản xuất; thùng xốp; đá cây; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bảo đảm vệ sinh môi trường...

Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị các phương án tốt nhất bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; làm tốt việc quản lý thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gom hàng, tăng giá đối với các dịch vụ phụ trợ trong mùa vụ tiêu thụ vải thiều như thùng xốp, đá cây, dịch vụ vận tải...

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm