Vaccine vẫn là biện pháp tốt nhất ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19

Trong những tháng gần đây các ca mắc mới COVID-19 ở những người đã tiêm vaccine ngày càng phổ biến, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh và khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine giảm dần. Điều này cho thấy cần phải tiêm liều vaccine tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều sau một khoảng thời gian nhất định. Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học Yale ở bang Connecticut, Mỹ, được công bố mới đây trên tạp chí The Lancet Microbe.

Vaccine van la bien phap tot nhat ngan ngua nguy co mac COVID-19 hinh anh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cienfuegos, Cuba, ngày 30/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8 đến giữa tháng 10, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale đã phát hiện ra rằng khoảng 22% bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Yale New Haven là những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine và xuất hiện các triệu chứng nặng, tăng từ mức 1,4% so với giai đoạn từ tháng 3-7. Tác giả chính của nghiên cứu trên, Giáo sư y khoa Hyung Chun tại Đại học Yale, cho rằng một phần nguyên nhân có thể là do sự lây lan của biến thể Delta trong nửa cuối năm nay và khả năng miễn dịch sau tiêm vaccine giảm dần. Theo đó, chuyên gia này cho rằng cần phải tiêm liều vaccine tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều trước đó để tăng khả năng miễn dịch vì đây vẫn là biện pháp tốt nhất giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù các ca nhiễm mới là những người đã tiêm đủ liều vaccine gia tăng trong nửa cuối năm nay, nhưng Giáo sư Chun khẳng định vaccine vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm khả năng lây lan của dịch bệnh.

Giáo sư Chun cũng nhấn mạnh nghiên cứu trên được thực hiện trước khi biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, nhưng biến thể mới sẽ không làm thay đổi sự cần thiết của việc tiêm phòng và tiêm liều tăng cường.

Nghiên cứu trên cũng tương đồng với các nghiên cứu khác cho rằng khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine có thể giảm dần theo thời gian, do đó sẽ dễ mắc bệnh hơn nếu không được tiêm liều tăng cường.

Theo nghiên cứu, những bệnh nhân mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine thường nhiều tuổi hơn những bệnh nhân chưa tiêm chủng, và có bệnh nền nghiêm trọng, nhưng thời gian nằm viện vì COVID-19 của họ lại ngắn hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn. Do đó, Giáo sư Chun khẳng định vaccine vẫn có hiệu quả cao trong phòng ngừa bệnh nặng và nguy cơ tử vong. Dữ liệu thống kê tại bang Connecticut trong những tuần gần đây cho thấy những người chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần và có nguy cơ tử vong cao gấp 15 lần so với những người đã tiêm phòng.

Tính đến giữa tháng 11 vừa qua, tất cả người trưởng thành ở Mỹ đã đủ điều kiện tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sau 6 tháng tiêm đủ 2 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, cũng như 2 tháng sau khi tiêm vaccine 1 liều của Johnson & Johnson.

Trần Quyên

Tin liên quan

Giới khoa học Anh đánh giá tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA đạt hiệu quả cao nhất

Vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA giúp thúc đẩy kháng thể mạnh mẽ nhất nếu được dùng làm liều tiêm bổ sung sau 10 đến 12 tuần kể từ khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Đây là kết luận của một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh về khả năng thúc đẩy kháng thể của các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có. Mục đích của nghiên cứu này là xác định loại vaccine nào làm mũi tăng cường để đảm bảo đạt hiệu quả bảo vệ con người cao nhất trước sự tấn công của COVID-19.


Triển vọng phát triển vaccine phòng ngừa biến thể Omicron

Kể từ khi biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 với hàng chục đột biến xuất hiện, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về biến thể này. Liệu biến thể này có "né tránh" được “hệ thống phòng thủ” của các loại vaccine hiện nay hay không? Liệu nó có lây lan rộng như biến thể Delta hay mất dần như biến thể Beta? Trong khi giới chức y tế còn phải tìm hiểu về biến thể mới, các công ty dược phẩm cho biết có thể nhanh chóng sản xuất được các loại vaccine mới.


Cân nhắc điều chỉnh vaccine ngừa COVID-19 đối phó với biến thể mới Omicron

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang gây ra mối quan ngại trên khắp thế giới sau khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định là biến thể "đáng lo ngại" vào cuối tuần qua. Giới chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn về biến thể này và cân nhắc việc điều chỉnh các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay để có thể ngăn chặn biến thể mới.



Đề xuất