Vaccine và thuốc điều trị COVID-19 có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron

Vaccine và thuốc điều trị COVID-19 có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron

Trong một nghiên cứu mới công bố trên bioRxiv, nhóm nghiên cứu từ Mỹ và Trung Quốc cho biết biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của các loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, cũng như các biện pháp điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng (mAbs).

Vaccine và thuốc điều trị COVID-19 có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron ảnh 1 Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu huyết thanh của người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 trong mùa Xuân năm 2020 và của người đã được tiêm các loại vaccine của Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson hoặc của AstraZeneca để thử nghiệm hoạt động sinh kháng thể của các mẫu này khi gặp các virus giả của biến thể B.1.1.529 (Omicron) và chủng gốc SARS-CoV-2.

Bên cạnh 37 đột biến ở protein gai đã được ghi nhận đối với biến thể Omicron, khoảng 10% mẫu gene của biến thể này trong cơ sở dữ liệu GISAID có chứa đột biến R346K, vốn được tìm thấy trong biến thể Mu (B.1.621). Phát hiện này khiến các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm thêm virus giả với đột biến này.

Nghiên cứu đã phát hiện rằng hoạt động sinh kháng thể của các mẫu huyết thanh từ người từng nhiễm và người đã tiêm phòng rất thấp khi gặp phải biến thể Omicron. Đối với những người đã tiêm vaccine công nghệ mRNA, hoạt động sinh kháng thể ở người tiêm vaccine của Pfizer giảm 21 lần, của Moderna là 8,6 lần. Huyết thanh của những người đã tiêm vaccine của Johnson&Johnson và AstraZeneca sinh lượng kháng thể thấp hơn mức giới hạn phát hiện (LOD).

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 4 đột biến S371L, N440K, G446S và Q493R trong protein gai của Omicron, giúp biến thể này tăng khả năng chống kháng thể ở vật chủ. Đột biến Q493R cung cấp khả năng kháng cự lại các thuốc kháng thể đơn dòng RBD loại 1 và 2, trong khi các đột biến N440K và G446S giúp Omicron kháng lại thuốc mAbs loại 3. Đáng chú ý, đột biến S371L giúp Omicron kháng lại tất cả 4 loại mAbs hiện nay. Đây được cho là yếu tố quyết định “sức mạnh” của Omicron.

Các phát hiện trong nghiên cứu trên chứng tỏ các loại vaccine được sử dụng rộng rãi hiện nay giảm sút hiệu quả khi đối đầu với biến thể Omicron, làm dấy lên lo ngại nguy cơ nhiễm sau tiêm và tỷ lệ tái nhiễm gia tăng với Omicron. Bên cạnh đó, do đột biến R346K của biến thể Omicron, giới khoa học cũng cần phải xem xét lại các liệu trình điều trị hiện nay.

Nghiên cứu trên cũng xem xét mẫu huyết thanh của những người đã tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA và thấy rằng ngay cả mũi tiêm thứ ba cũng không giúp sinh đủ kháng thể đủ để vô hiệu hóa Omicron.

Omicron đang đặt ra nhiều mối đe dọa đối với hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu, đòi hỏi phải có các chiến lược mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự xuất hiện của các biến thể mới có thể nguy hiểm hơn đòi hỏi thế giới cần tăng cường nghiên cứu để phát hiện và dự báo khả năng tiến hóa của virus.

Bích Liên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm