Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết thành lập, sắp xếp và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang, Hà Nội và Thừa Thiên-Huế.

Thành lập hai thị trấn ở tỉnh Thanh Hóa

Tại Nghị quyết số 1260/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Thị trấn Quý Lộc được thành lập trên cơ sở toàn bộ 13,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 15.008 người của xã Quý Lộc thuộc huyện Yên Định. Thị trấn Quý Lộc giáp xã Yên Thọ, thị trấn Yên Lâm; huyện Cẩm Thủy và huyện Vĩnh Lộc.

Thị trấn Yên Lâm thành lập trên cơ sở toàn bộ 17,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.683 người của xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Thị trấn Yên Lâm giáp xã Yên Thọ, xã Yên Tâm, thị trấn Quý Lộc, thị trấn Thống Nhất; huyện Cẩm Thủy và huyện Ngọc Lặc.

Sau khi thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 4 thị trấn; tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 2 thành phố và 2 thị xã; 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 469 xã, 60 phường và 30 thị trấn.

Thành lập thị trấn Long Giao của tỉnh Đồng Nai

Tại Nghị quyết số 1261/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cầm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Thị trấn Long Giao được thành lập trên cơ sở toàn bộ 33,75 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.524 người của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Thị trấn Long Giao giáp các xã Bảo Bình, Nhân Nghĩa, Xuân Đường, Xuân Mỹ, Xuân Quế và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau khi thành lập thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 1 thị trấn; tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện và 2 thành phố; 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 121 xã, 40 phường và 9 thị trấn.

Điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã của Tuyên Quang

Tại Nghị quyết số 1262/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị điều chinh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập các thị trấn thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Điều chỉnh toàn bộ 90,91 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.842 người của xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa và toàn bộ 41,67km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.757 người của xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa vào huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Thành lập thị trấn Lăng Can trên cơ sở toàn bộ 73,33 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.373 người của xã Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Thị trấn Lăng Can giáp các xã Bình An, Khuôn Hà, Phúc Yên, Thổ Bình, Thượng Lâm, Xuân Lập và huyện Na Hang.

Điều chỉnh địa giới hành chính các xã Lang Quán, Tứ Quận và Thắng Quân thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang như sau: chuyển 0,58 km2 diện tích tự nhiên và 923 người của xã Lang Quán vào xã Thắng Quân; chuyển 2,29 km2 diện tích tự nhiên và 1.788 người của xã Tứ Quận vào xã Thắng Quân.

Thành lập thị trấn Yên Sơn trên cơ sở toàn bộ 29,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 22.041 người của xã Thắng Quân thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thị trấn Yên Sơn giáp các xã Chân Sơn, Lang Quán, Phúc Ninh, Tân Long, Trung Môn, Tứ Quận và thành phố Tuyên Quang.

Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận của Hà Nội

Tại Nghị quyết số 1263/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm thuộc thành phố Hà Nội.

Điều chỉnh 10,32 ha diện tích tự nhiên khu vực 08 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý hành chính (bao gồm các tổ dân phố số 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm vào phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Điều chỉnh 1,86 ha diện tích tự nhiên tổ dân phố số 28 do phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy quản lý hành chính đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm vào phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế

Tại Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế như sau: thành lập phường Gia Hội trên cơ sở nhập toàn bộ 0,52 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.717 người của phường Phú Cát và toàn bộ 0,94 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 15.120 người của phường Phú Hiệp; nhập toàn bộ 0,62 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 10.016 người của phường Phú Bình vào phường Thuận Lộc; thành lập phường Đông Ba trên cơ sở nhập toàn bộ 0,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.841 người của phường Phú Hòa và toàn bộ 1,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 17.604 người của phường Thuận Thành; điều chỉnh 0,46 km2 diện tích tự nhiên, dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc và nhập toàn bộ 0,80 km2 diện tích tự nhiên, dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh địa giới hành chính của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang và thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế như sau: chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Thủy Vân và toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy; toàn bộ diện tích tự nhiên của phường Hương Hồ, phường Hương An, xã Hương Thọ, xã Hương Phong, xã Hương Vinh và xã Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Phú Thượng, xã Phú Dương, xã Phú Mậu, xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang vào thành phố Huế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập các phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên các xã cùng tên: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và Thuận An thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Như vậy, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã.

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm