Ủy ban Dân tộc làm việc với tỉnh Phú Yên về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
​
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN ​

Ngày 24/9, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc tại tỉnh Phú Yên về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2020. Tỉnh Phú Yên được đánh giá đã thực hiện đầy đủ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; phát huy được hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn đã góp phần quan trọng làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy ban Dân tộc làm việc với tỉnh Phú Yên về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực là hơn 574 tỷ đồng. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi có nhiều thay đổi. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% (trong đó đào tạo nghề là 25%), giải quyết việc làm cho lao động hàng năm từ 2.500 - 3.000 người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt 11,5-12%. GDP bình quân đầu người ở khu vực miền núi đạt từ 20-26 triệu đồng/người, ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 18 triệu đồng/người (riêng đồng bào dân tộc thiểu số từ 14-16 triệu đồng/người).

Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi được quan tâm đầu tư hoàn thiện nên diện mạo có nhiều thay đổi: 100% số thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ kín điện lưới quốc gia, gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện thắp sáng; tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 85%. Các thôn, buôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện; trạm y tế; trường học…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết: Việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc tại địa phương, hướng đến mục tiêu "các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển". Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, đầy đủ, cuộc sống ấm no hơn trước. Tuy nhiên, một số chính sách dân tộc miền núi chưa được cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương dẫn đến việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc còn chậm. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ, bao cấp từ ngân sách của Nhà nước. Quan điểm của địa phương về mục tiêu phát triển vùng miền núi, dân tộc thiểu số thời gian tới là huy động mọi nguồn đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là chủ yếu. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị các cấp.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm khu vực miền núi giảm 4-5% hộ nghèo, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5-6%; xóa nhà ở tạm trên 90% nhà ở đạt tiêu chuẩn; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng lên gấp 4 lần so với hiện nay.

Để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị: Ủy ban Dân tộc cần xây dựng hệ thống chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi mang tính ổn định, lâu dài. Các cơ quan chức năng sớm trình Thủ tướng Chính phủ việc hướng dẫn phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông biểu dương những nỗ lực của tỉnh Phú Yên trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh Phú Yên tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu... Chính quyền địa phương tiếp tục chăm lo xây dựng đời sống văn hóa; bảo tồn và phát triển đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc trong vùng. Cùng với việc phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số; giữ vững và ổn định an ninh chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở địa phương…

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên là địa bàn cư trú lâu đời của 3 dân tộc chính là Ê đê, Chăm, Ba Na. Đến nay, cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số với 60.128 người, chiếm 6,89% dân số toàn tỉnh.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm