Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn nâng cao hiệu quả hợp tác xã

Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn nâng cao hiệu quả hợp tác xã
Nông dân huyện Cầu Ngang thu hoạch lạc vụ đông xuân. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Nông dân huyện Cầu Ngang thu hoạch lạc vụ đông xuân.
Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã đề nghị, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho hợp tác xã đầu tư phát triển. Các tỉnh cũng tập trung thực hiện kế hoạch thí điểm việc đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở hợp tác xã; phấn đấu năm 2019, các hợp tác xã thí điểm có ít nhất 1 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng hỗ trợ về làm việc. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi triển khai thực hiện Quyết định 445/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.251 hợp tác xã nông nghiệp. Đa số các hợp tác xã có qui mô nhỏ, với số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã là 77 thành viên, diện tích đất canh tác khoảng 160 ha/hợp tác xã. Doanh thu trung bình của một năm một hợp tác xã ở mức 700 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ từ 70 – 80 triệu đồng. Nguyên nhân đại đa số hợp tác xã hoạt động hiệu quả thấp là do các hợp tác xã thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu vốn, thiếu phương tiện máy móc phục vụ cho sản xuất. Đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã phần nhiều chưa được đào tạo chuyên môn, không có phương án sản xuất kinh doanh mà chỉ dựa vào kinh nghiệm. Vì thế, hầu hết các hợp tác xã chỉ hoạt động dịch vụ đầu vào cho sản xuất, không ký kết được hợp đồng, sản phẩm làm ra không đáp ứng yêu cầu chất lượng, mẫu mã,… cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu củng cố phát triển khoảng 200 hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành hoặc dịch vụ tổng hợp hoạt động hiệu quả trong 3 lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản. Tập trung hỗ trợ cho hợp tác xã đẩy mạnh và mở rộng việc liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, kết nối với doanh nghiệp từ đầu vào, có thế mạnh đầu ra về tiêu thụ sản phẩm. Sau hơn 2 năm triển khai, 156 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác đăng ký thực hiện thí điểm đã nhận được sự hỗ trợ về vốn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, liên kết cùng doanh nghiệp,… chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong 19 tổ hợp tác đã có 18 tổ thành lập thành hợp tác xã. Các hợp tác xã đều tăng các chỉ tiêu về hiệu quả, như: có 20 hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất, 37 hợp tác xã tăng doanh thu, 28 hợp tác xã tăng thu nhập sau thuế, 21 hợp tác xã tăng thu nhập bình quân thành viên, 15 hợp tác xã tăng thu nhập bình quân cho người lao động, có 13 hợp tác xã áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, ngoài sự chuyển biến tích cực đối với hợp tác xã thí điểm, Quyết định 445/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ còn tác động mạnh mẽ đến phong trào phát triển hợp tác xã  nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sự chuyển biến mạnh mẽ nhất là số lượng hợp tác xã được củng cố, thành lập mới ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên hơn 1.800 hợp tác xã, nhiều nhất so với miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Về qui mô số lượng thành viên, quy mô sản xuất và tính hiệu quả trên 3 lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản cũng tăng cao hơn trước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, bên cạnh sự chuyển biến tích cực, vẫn tồn tại nhiều  hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả. Hạn chế rõ nhất là nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh, chưa chủ động tiếp cận khoa học công nghệ, liên kết cùng doanh nghiệp, còn nhiều cán bộ quản lý hợp tác xã yếu về trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phát triển. Để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước hoạt động hiệu quả đến năm 2020, theo Quyết định 461/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện mô hình hoạt động hiệu quả của gần 200 hợp tác xã thí điểm. Cùng đó, các địa phương tăng cường hơn nữa việc thực thi hỗ trợ cho hợp tác xã về các chính sách được Nhà nước và địa phương ban hành; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho đội ngũ quản lý, người lao động của hợp tác xã. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để hợp tác xã kết nối cùng doanh nghiệp, tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại sản phẩm.
Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm