Ứng phó với tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam

Ứng phó với tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam

Ngày 16/9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Ảnh hưởng của già hóa dân số đến phát triển kinh tế".

Khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, già hóa dân số là kết quả của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học tất yếu và lâu dài. Hiện nay, già hóa dân số là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế và các vấn đề về an sinh. Già hóa dân số diễn ra ở nhiều khu vực mang tính chất toàn cầu và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng 10,4 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, năm 2029, số lượng người cao tuổi Việt Nam đạt 17 triệu người (chiếm 16,5%) dân số; năm 2038, đạt 22,2 triệu người (chiếm 20,2% dân số). Đến năm 2069, dân số già ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 31 triệu người, chiếm 27% dân số.

Số liệu trên cho thấy, diễn biến dân số già tại Việt Nam ngày càng nhanh, gia tăng. Già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhịp độ tăng dân số, già hóa dân số diễn ra với nhịp độ khác nhau theo giới tính, vùng miền … và thường tập trung ở nông thôn. Già hóa dân số Việt Nam hiện nay diễn ra mạnh mẽ đi kèm với các vấn đề kinh tế- xã hội cần phải giải quyết (việc làm, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội); đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và vấn đề về an sinh xã hội.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về đặc điểm, xu hướng và tác động của già hóa dân số đến phát triển kinh tế dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay. Các đại biểu nhấn mạnh đến một số vấn đề như: Tăng cường vai trò và năng lực của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc xây dựng, vận động và thực hiện chính sách cho già hóa dân số và người cao tuổi; thống nhất cách tiếp cận về già hóa dân số trong các nghiên cứu và xây dựng, quy hoạch chính sách dân số; tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm