Ứng phó bão số 4 : Bão, mưa lớn và động đất tạo đang tạo ra "tổ hợp bất lợi" cần ứng phó khẩn cấp

Ứng phó bão số 4 : Bão, mưa lớn và động đất tạo đang tạo ra "tổ hợp bất lợi" cần ứng phó khẩn cấp

Lúc 7 giờ sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 4), theo dự báo, bão sẽ gây mưa lớn kèm theo tình hình động đất đang diễn biến phức tạp. Bão, mưa lớn và động đất tạo thành "tổ hợp bất lợi" cần ứng phó khẩn cấp.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ ngành cần triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn". Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp ở cuộc họp ứng phó với bão số 4 sáng 18/8 tại Hà Nội.

Ứng phó bão số 4 : Bão, mưa lớn và động đất tạo đang tạo ra "tổ hợp bất lợi" cần ứng phó khẩn cấp ảnh 1Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cảnh báo, kiểm soát chặt giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh thuộc khu vực vùng núi kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu khu vực vừa bị ảnh hưởng của động đất; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Ứng phó bão số 4 : Bão, mưa lớn và động đất tạo đang tạo ra "tổ hợp bất lợi" cần ứng phó khẩn cấp ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

"Sáng nay, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có 2 người mất tích do đi qua ngập tràn. Mặc dù các cấp, các ngành và cơ quan truyền thông đã cảnh báo, thông tin rất nhiều về vấn đề này nhưng những sự cố như trên vẫn xảy ra. Do vậy, các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm việc bố trí người trực, cắm biển cảnh báo, rào chắn...tại các khu vực nguy hiểm. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ rõ.

Trên tuyến biển, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Khu vực các tỉnh đồng bằng kiểm tra, triển khai phương án tuần tra, canh gác, đảm bảo an toàn đê điều theo các cấp báo động, các công trình đang thi công ven sông, trên sông. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo thiên tai và khu vực bị ảnh hưởng kịp thời, sát thực tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và truyền thông - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Điều hành linh hoạt, phù hợp, kịp thời các hồ thủy điện

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trước ảnh hưởng của bão số 4 gây mưa lớn, đặc biệt là ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, do vậy cần hết sức chú ý đến hệ thống thuỷ điện trên sông Đà, trong đó đặc biệt quan tâm việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa để có sự điều hành linh hoạt, phù hợp, kịp thời đối với hệ thống hồ thuỷ điện phục vụ phát điện và sản xuất. Chiều 18/8, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ họp với các bộ phận tư vấn trong việc vận hành hồ chứa thuỷ điện Sơn La.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện nay, đang là thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc. Hồ Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m, tuy nhiên, mực nước ở hồ Sơn La chỉ cách cao trình xả tràn dưới 1m. Theo số liệu đo đạc, hiện mực nước đến hồ Sơn La khoảng 5.230m3/s và trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/giây (như vậy hồ Sơn La sẽ giữ lại khoảng 2.000m3/giây). Sau bão, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, đến ngày 21/8 lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/giây. Theo kịch bản trên, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ

Ứng phó bão số 4 : Bão, mưa lớn và động đất tạo đang tạo ra "tổ hợp bất lợi" cần ứng phó khẩn cấp ảnh 3Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài báo cáo diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, ngoài lũ chính vụ, cần hết sức quan tâm đến vấn đề lũ muộn. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn theo dõi sát vấn đề trên để có sự tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác chỉ đạo, điều hành lũ. Tổng cục phòng chống thiên tai tham mưu tích hợp hệ thống giám sát thiên tai vào phần mềm điều hành, chỉ đạo việc ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Quốc gia.

Các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc (đặc biệt quan tâm đến công tác trực ban tại các cấp xã, thôn bản), thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, lúc 7 giờ ngày 18/8, bão số 4 có cường độ cấp 8, giật cấp 10, trên biển, bão có khả năng mạnh nhất đạt cuối cấp 9, giật cấp 11 và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ từ 15-20 km/h. Đến 7 giờ ngày 20/8, vị trí tâm bão ở khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, khả năng cao bão sẽ đi vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bão số 4 ảnh hưởng tới Việt Nam chủ yếu là mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, các đô thị tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai...

Đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, trước diễn biến của Bão số 4, Bộ đội Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và ngành thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định thông tin đến các phương tiện hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của bão để di chuyển phòng tránh.

Thông tin từ Tổng cục Thuỷ sản, đến 8 giờ ngày 18/8, không có tàu, thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Công tác chỉ đạo ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ được chỉ đạo kịp thời. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17/8/2020 chỉ đạo các các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo nhắn tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng khu vực Bắc Bộ từ ngày 17-19/8; các nhà mạng đã tổ chức nhắn tin đến các khu vực có mưa lớn, nguy cơ cao (Tuyên Quang, Cao Bằng,…).

Bộ Công an đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức trực ban, thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn đến các tỉnh để chỉ đạo ứng phó.

Tại địa phương, các tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu đã đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ. Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức sơ tán 40 hộ dân khu vực ngập sâu thuộc tại thành phố Hạ Long; tổ chức phân luồng trên các tuyến giao thông bị ngập (quốc lộ 18).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Tuần Giáo, Nậm Pồ, thành phố Điện Biên Phủ đã đi kiểm tra, huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức sơ tán 4 hộ dân khu vực ngập sâu thuộc xã Ký Phú.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm