Ứng phó bão số 13: tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi di dời người dân đến các địa điểm an toàn

Ứng phó bão số 13:  tỉnh Quảng Trị,  Quảng Ngãi di dời người dân đến các địa điểm an toàn

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, đến 17 giờ ngày 14/11, tỉnh Quảng Trị đã triển khai di dời được 12.234 hộ dân với trên 35.000 người dân, đến các địa điểm an toàn để tránh bão số 13 và sạt lở đất.

Ứng phó bão số 13:  tỉnh Quảng Trị,  Quảng Ngãi di dời người dân đến các địa điểm an toàn  ảnh 1Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị giúp ngư dân đưa lưới từ tàu cá lên bờ để phòng chống bão số 13. Ảnh: Nguyên Lý -TTXVN
   

Hiện nay, tỉnh đã có 2 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa phòng, chống bão số 13, là: Ông Phạm Duy Dược, 60 tuổi ở thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Lịnh bị gãy chân và xương bả vai; anh Nguyễn Đình Thanh, 32 tuổi, trú tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh bị chấn thương ở mặt.

Lực lượng chức năng của tỉnh đã giúp người dân chằng chống và gia cố trên 3.000 ngôi nhà; tập trung ở các huyện ven biển gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Biên phòng Quảng Trị đã triển khai hơn 400 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với chính quyền các địa phương, giúp dân ở vùng xung yếu chằng chống nhà cửa và di dời đến nơi an toàn.

Đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 13 tại các địa phương ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương đưa người còn ở trên các tàu thuyền vào bờ để bảo đảm an toàn; di dời kịp thời người dân ở vùng xung yếu ven biển và vùng có nguy cơ sạt lở đất, nhất là ở 2 huyện miền núi: Đakrông và Hướng Hóa. Tại các điểm di dời dân đến ở tránh bão, địa phương phải đảm bảo lương thực, nước uống không để dân bị đói rét.

Cơ quan chức năng cảnh báo, từ tối 14/11 đến ngày 16/11, các sông ở Quảng Trị xuất hiện một đợt lũ lên mức từ báo động 2 đến báo động 3, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông các huyện: Hướng Hóa, Đăkrông; đặc biệt, chú ý sạt lở đất khu vực các xã: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Cam Lộ, các xã phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. Nguy cơ xảy ra ngập úng vùng thấp trũng ven sông các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị.

Ngư dân Quảng Trị đã đưa toàn bộ hơn 2.300 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão số 13 tại các khu neo đậu tránh trú bão như: Cửa Tùng, Nam Cửa Việt và Bắc Cửa Việt. Tại các khu neo đậu tránh trú này, lực lượng biên phòng tổ chức giúp ngư dân đưa lưới từ tàu cá lên bờ để bảo quản nhằm tránh thiệt hại do bão gây ra; đồng thời khẩn trương chằng buộc và sắp xếp tàu cá vào neo đậu đúng vị trí đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18 giờ ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của cơ quan chức năng; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn, trừ lực lượng làm công tác cứu hộ cứu nạn và trường hợp đặc biệt.

*Trước đóỦy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi Công điện số 08/CĐ-UBND hỏa tốc yêu các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 13. Trong đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12 giờ ngày 14/11.

Ứng phó bão số 13:  tỉnh Quảng Trị,  Quảng Ngãi di dời người dân đến các địa điểm an toàn  ảnh 2Bản đồ đường đi của bão số 13. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại); rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn; tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè an toàn; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại nơi neo đậu; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 13, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có để truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp an-ten viễn thông…chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn; tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn (theo phương án đã được xây dựng); sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ người dân khi có yêu cầu; chỉ đạo rà soát toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật tại các công trình xây dựng trên địa bàn, các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng nhất là tại các vị trí xung yếu để di chuyển đến nơi an toàn, trường hợp không chấp hành phải kiên quyết cưỡng chế và xem xét xử lý các đơn vị chủ quản theo quy định.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ…

Lúc 14 giờ ngày 14/11, do ảnh hưởng của bão số 13, tại đảo Lý Sơn đã có gió bão cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 5 - 7 mét. Nhiều khu vực như cảng Lý Sơn, Hang Cò thôn Tây An Hải sóng biển phủ trắng, tràn lên kè bê tông uy hiếp các hộ dân sống ven biển. Gió to sóng lớn có khả năng ảnh hưởng đến hàng trăm tàu cá nhỏ bị sóng biển đánh chìm đang neo đậu tại vũng neo trú tàu thuyền.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, huyện Lý Sơn đã hoàn thành việc di dời gần 300 hộ với gần 1.000 người dân nằm trong vùng xung yếu về nơi tránh trú an toàn.


Đinh Thị Hương, Nguyên Lý 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm