Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Đột quỵ được ví như "sát thủ giấu mặt", là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch. Đáng chú ý, những năm gần đây, bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng ở cả những người trẻ. Nhằm mang thêm cơ hội cứu sống cho người bệnh đột quỵ, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng phần mềm RAPID - một phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp kéo dài “thời gian vàng” can thiệp lên đến 24 giờ kể từ thời điểm khởi phát bệnh.

* Bệnh nhân đột quỵ thoát chết nhờ RAPID

Mới đây, bà N.T.M.P (56 tuổi, ngụ An Giang) được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng yếu liệt nửa người bên phải, đau đầu, nói đớ. Tính từ thời điểm khởi phát dấu hiệu đột quỵ đến khi tới bệnh viện, bà P. đã trải qua 10 giờ đồng hồ. Kết quả hiển thị từ phần mềm RAPID cho thấy, vùng đỏ trong não bệnh nhân (vùng não đã chết) là 21ml, vùng xanh (hay còn gọi là vùng tranh tối tranh sáng, vùng não có nguy cơ chết trong tương lai) là 51ml. “Nhờ phần mềm RAPID, chúng tôi nhận thấy cơ hội của bệnh nhân vẫn còn”, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não cho biết. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định lấy huyết khối bằng biện pháp cơ học. Bà P. đã thoát khỏi “bàn tay tử thần” như thế.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ ảnh 1Một bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhờ phần mềm RAPID đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Tương tự, một bệnh nhân khác là ông H.G.T (60 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) rơi vào tình trạng liệt nửa người, méo miệng. Người nhà cho biết, ông T. đi ngủ lúc 21 giờ tối hôm trước và thức dậy vào sáng hôm sau thì phát hiện bị đột quỵ. Khi bệnh nhân đến bệnh viện là đã khoảng 12 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhồi máu não. Người bệnh sau đó được chụp CT scanner, MRI và dùng phần mềm RAPID để định lượng tổn thương. Kết quả ghi nhận vùng não hoại tử là 33 ml, vùng tranh tối tranh sáng là 103 ml. Theo hướng dẫn của phần mềm RAPID, người bệnh có chỉ định và tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Kết quả ông T. hồi phục tốt sau can thiệp tái thông.

Đây là hai trong nhiều trường hợp được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh giành giật lại sự sống từ “bàn tay tử thần” nhờ phần mềm RAPID. Năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo này được phát triển bởi Đại học Stanford (Mỹ). RAPID đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho sử dụng tại Hoa Kỳ và đến nay đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới sử dụng vào việc chỉ định can thiệp tái thông mạch máu cho bệnh nhân đột quỵ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, với kỹ thuật chụp hình ảnh thông thường, bác sĩ chỉ có thể thấy được vùng nhu mô não bị hoại tử mà không nhìn thấy được vùng não sẽ chết trong vài giờ tiếp theo. Nhưng phần mềm RAPID cho phép các bác sĩ có thể thấy các nhu mô não sẽ chết trong tương lai. Việc nhìn thấy được vùng não sẽ chết trong tương lai hết sức quan trọng, từ đây các bác sĩ có thể đưa ra quyết định “sống còn”, cứu hay không cứu bệnh nhân. “Nếu như toàn bộ não bệnh nhân bị hoại tử, điều đó cho thấy bệnh nhân không còn cơ hội nhưng nếu vẫn còn vùng “tranh tối tranh sáng” thì chúng tôi sẽ chỉ định lấy huyết khối để cứu bệnh nhân”, bác sĩ Thắng cho hay.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ ảnh 2Phim chụp não bệnh nhân đột quỵ được phân tích bởi phần mềm RAPID. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Thông thường, cửa sổ “thời gian vàng” trong đột quỵ chỉ là 6 giờ kể từ thời điểm khởi phát bệnh. Những bệnh nhân đến bệnh viện sau thời gian 6 giờ sẽ bị bác sĩ từ chối can thiệp bởi họ không thể xác định vùng nguy cơ ở não là bao nhiêu, việc can thiệp lấy huyết khối sẽ vừa nguy hiểm vừa tốn kém. Tuy nhiên, với phần mềm RAPID, việc xác định vùng “tranh tối tranh sáng” cho phép bác sĩ có thể kéo dài thời gian cứu não không chỉ trong 6 “giờ vàng” mà lên đến 24 giờ.

* “Cứu cánh” cho người bệnh đột quỵ đến bệnh viện muộn

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, nếu như trước đây, trung bình mỗi năm Khoa Bệnh lý mạch máu não chỉ can thiệp được cho khoảng 400 bệnh nhân đột quỵ thì kể từ ngày sử dụng phần mềm RAPID, mỗi năm có khoảng 1.000 bệnh nhân được cứu sống. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là tại Việt Nam, đa số bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện muộn. Thống kê tại Bệnh viện Nhân dân 115, tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện trong 4, 5 giờ đầu tiên chỉ chiếm 12%, đến sau 6 giờ chiếm 30% và có đến 60% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong 24 giờ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao, để lại di chứng nặng nề. “Do có đến 60% bệnh nhân nhập viện trong 24 giờ nên việc dùng RAPID để tìm những bệnh nhân còn đủ điều kiện can thiệp tái thông mạch máu là rất có ý nghĩa, đã có hàng ngàn người bệnh thoát chết, nhiều cuộc đời được “ở lại” trong những năm qua nhờ ứng dụng RAPID”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng nhìn nhận. Thậm chí, tại Bệnh viện Nhân dân 115, cửa sổ “thời gian vàng” điều trị đột quỵ được nâng lên một cách ngoạn mục tới 36 giờ, mốc thời gian mà nếu không có RAPID, bệnh nhân chỉ còn chấp nhận cái chết.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ ảnh 3Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh - người đưa phần mềm RAPID về Việt Nam, tư vấn cho người nhà bệnh nhân. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Đó là trường hợp của một bệnh nhân nam 34 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, bệnh nhân này đến khám tại một bệnh viện tư nhân và được chẩn đoán đột quỵ nhẹ với triệu chứng yếu nhẹ nửa người. Bệnh nhân được chỉ định điều trị ngoại trú, phát thuốc uống và tự theo dõi tại nhà. Tuy nhiên khi về nhà, tình trạng liệt nửa người của bệnh nhân ngày một nặng hơn và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115. Kết quả chụp MRI cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa bên phải, song đã 36 giờ trôi qua kể từ khi bệnh nhân có dấu hiệu khởi phát bệnh. Lúc này, phần mềm RAPID được sử dụng và rất may, kết quả khả quan khi phần não hoại tử của bệnh nhân là 32ml, phần "tranh tối tranh sáng" 77ml, vẫn còn cơ hội để cứu sống. Bệnh nhân được đưa đi lấy huyết khối ngay và sau khi tái thông mạch máu, bệnh nhân hoàn toàn bình phục, không để lại di chứng gì. “Chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhân được cứu sống bởi người bệnh còn rất trẻ và đến bệnh viện quá trễ. Đây là một trong những ca bệnh được chúng tôi cứu sống ngoạn mục khi thời gian đã vượt qua 24 giờ theo khuyến cáo thông thường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ ảnh 4Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng tư vấn cho người nhà bệnh nhân. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Mặc dù vậy, theo Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, trang thiết bị tiên tiến thế nào thì tỷ lệ cứu sống các trường hợp đột quỵ chỉ đạt 50%, kể cả ở các trung tâm đột quỵ tiên tiến trên thế giới. Do đó, phòng ngừa đột quỵ là vô cùng quan trọng. Hiện nay, nhiều người dân vẫn lơ là với đột quỵ, nhất là những người trẻ. “Dù chưa có các bằng chứng khoa học rõ ràng về tỷ lệ người đột quỵ ngày càng trẻ hóa nhưng nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi còn rất trẻ, có bệnh nhân mới chỉ 17 tuổi”, bác sĩ Thắng cảnh báo.

Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ như rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường…. cần sử dụng thuốc đều đặn và theo dõi tình trạng bệnh để phòng ngừa đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai. Còn với đại đa số người dân, cần chú ý thay đổi lối sống như hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, tăng cường vận động thể chất… nhằm ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, khi có các dấu hiệu của đột quỵ như yếu liệt một bên cơ thể, liệt mặt, đau đầu, chóng mặt, mất thị lực, giọng nói thay đổi, nói ngọng… cần đến ngay cơ sở y tế nhanh nhất nhằm hạn chế nguy cơ tử vong và biến chứng nguy hiểm.

Đinh Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm