Ứng dụng lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An

Ứng dụng lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An

Lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác là khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và tiếp thị nông sản, vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa đáp ứng được yêu cầu của bên mua về vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là khái niệm còn “xa lạ” với đa số nông dân ở Nghệ An.

Ứng dụng lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An ảnh 1Kiểm tra sinh trưởng cây ngô tại Hợp tác xã Phú Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nâng cao giá trị nông sản

Hợp tác xã Phú Thịnh, huyện Hưng Nguyên có diện tích 4 ha với nhiều sản phẩm được trồng trong nhà lưới như dưa lưới, dâu tây, nho, ngô và các loại rau ăn lá theo mùa. Từ 2 năm nay, anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Phú Thịnh Châu mới bắt đầu ghi nhật ký sản xuất.

Việc ghi chép nhật ký sản xuất, ngay từ khâu mua giống, chăm sóc hàng ngày cho đến tận khi ra sản phẩm đã giúp cho anh Sơn quản lý phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng chích hút gây hại hiệu quả hơn. Bởi nhớ được loại thuốc đã dùng, từ đó có thể đổi thuốc nếu không có hiệu quả, hoặc kể cả có hiệu quả nhưng cũng quay vòng, đổi loại thuốc để tránh tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc.

Anh Sơn cũng có thể cập nhật tình hình sử dụng phân bón hàng ngày để tính toán tăng hoặc giảm lượng, vì cây dưa có nhu cầu “ăn” khác nhau ở từng giai đoạn phát triển, thậm chí lượng phân bón cho dưa phải thay đổi hàng ngày.

Ứng dụng công nghệ mới từ khâu chọn giống, công nghệ vi sinh dần thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng phân hữu cơ đến công nghệ nhà màng, tưới tự động, nhỏ giọt đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của hợp tác xã. Với 2- 3 tấn mỗi vụ dưa, một năm, vườn dưa VietGAP của Hợp tác xã Phú Thịnh cho sản lượng từ 6 - 9 tấn quả/năm.

Ứng dụng lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An ảnh 2Vườn dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Phú Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

“Được công nhận VietGAP và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao khiến cho sản phẩm của hợp tác xã dễ dàng mở rộng thị trường, đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị trên địa với mức giá nhập cao và ổn định hơn, tuy nhiên ngoài yêu cầu khắt khe về chất lượng, hình thức, còn đòi hỏi phải có ghi chép nhật ký sản xuất. Vì thế, mấy năm nay, việc này đã trở thành thói quen”, anh Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Hợp tác xã Nông nghiệp Diễn Phong, huyện Diễn Châu hiện có hơn 500 xã viên. Nhiều năm qua, Hợp tác xã thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông sản như ớt cay, khoai tây và sắp tới là bắp cải. Giám đốc Hợp tác xã Quế Văn Duyên cho biết, sau khi ký kết hợp đồng sản xuất, tất cả các thông tin đều được ghi chép và lưu trữ lại, như lượng giống, chủng loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lượng sản phẩm của từng hộ dân. Việc làm này hợp tác xã quản lý sản xuất hiệu quả hơn, nắm rõ tình hình thực tế từng hộ dân để đôn đốc bà con đầu tư, chăm sóc khi cần thiết. Đây cũng là hồ sơ quan trọng để xuất trình với bên mua.

Ngoài hoạt động khai thác thuỷ sản, các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản được đầu tư bài bản đều có ghi chép nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ, còn lại trong trồng trọt vẫn còn đang rất ít. Hầu hết người dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm; hoặc sản xuất theo quy trình VietGAP mặc dù có bắt buộc nhưng biểu mẫu khá phức tạp, nên việc ghi chép thủ công còn nhiều hạn chế, không đầy đủ.

Tại huyện Quỳnh Lưu – vựa rau màu lớn nhất tỉnh Nghệ An, sản lượng rau của Quỳnh Lưu vào các siêu thị lớn như BigC, Metro… chưa nhiều và thường xuyên, và thực tế, hầu như chỉ khi đối tác yêu cầu, người sản xuất mới buộc phải ghi chép. Tuy nhiên, việc ghi chép nhật ký đã đem lại những hiệu quả khá rõ nét trong nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm VietGAP, có ghi chép lịch sử sản xuất đầy đủ đã vào được các siêu thị lớn, tiêu thụ ổn định và giá trị cao.

Xu thế tất yếu


Nhật Bản là thị trường “khó tính”, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu, cũng là thị trường giá trị cao, ổn định và uy tín. Hàng hóa "vào" được Nhật Bản là mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản. Tuy nhiên, theo ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, đây là thị trường đòi hỏi rất cao về vấn đề chấp hành nghiêm túc quy trình sản xuất sạch; trong đó, có khâu lưu giữ hồ sơ.

“Nhật Bản xử phạt vi phạm về vấn đề này rất nặng, do đó, nhiều công ty đặt ra yêu cầu rất khắt khe đối với việc mua nguyên liệu thô. Nó đồng nghĩa, muốn sản phẩm vào được thị trường Nhật Bản, người sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu an toàn cơ bản như lưu trữ hồ sơ phù hợp”, ông Murooka Naomichi cho biết.

Nhật Bản chỉ là một ví dụ về tầm quan trọng của việc lưu giữ hồ sơ trong sản xuất nông nghiệp và tiếp thị sản phẩm. Muốn “vào” được tất cả các thị trường khó tính, giá trị cao và bền vững, đây được coi là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đầu tiên. Trong khi đó, hiện nông dân Nghệ An còn rất thiếu thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuy nhiên cũng không chấp hành nghiêm túc và chưa có thói quen ghi chép lại quá trình sản xuất. Việc này hầu như chỉ mới thực hiện ở các diện tích sản xuất VietGAP, GlobalGAP, tuy nhiên vẫn đang ghi chép thủ công, ít nhiều vẫn còn mang tính đối phó, hình thức.

Ứng dụng lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An ảnh 3Vườn dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Phú Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Lưu trữ hồ sơ bằng các phần mềm và công nghệ số, nghĩa là các nội dung như xác định chi phí trồng trọt, làm rõ kế hoạch công việc sẽ được lưu lại trên phần mềm ứng dụng, qua việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Hệ thống này ra đời giúp nông dân tiếp cận thông tin đa dạng, kịp thời, từ đó lựa chọn phương án tổ chức sản xuất hợp lý nhất. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của bên mua về vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người sản xuất có thể cung cấp thông tin về sản phẩm của mình bằng cách trình bày cách canh tác và lúc đó, lịch canh tác cũng trở thành công cụ tiếp thị sản phẩm hiệu quả, đáng tin cậy.

Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để số hoá trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất cần thiết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm với giá thành cao nhất và hợp lý nhất.

“Nghệ An hiện rất quan tâm vấn đề số hoá trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp các địa phương, tập trung tuyên truyền để nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, các biện pháp kỹ thuật cũng như ghi chép lại quá trình sản xuất trên cơ sở phần mềm dữ liệu được nhà nước hỗ trợ xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà cung ứng về vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An khẳng định.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm