Ngày 8/3, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất muối thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện khẳng định, sản xuất muối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống của nhiều địa phương ven biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng muối. Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối là một yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành muối Việt Nam. Hội thảo cũng sẽ tạo môi trường giao lưu, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh muối giữa các địa phương.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua, lĩnh vực diêm nghiệp đã từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào trong sản xuất. Tuy nhiên, việc áp dụng chưa nhiều, chủ yếu vẫn thủ công. Hầu hết các khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, thủ công, trang thiết bị thô sơ chất lượng không ổn định, muối thường lẫn tạp chất, sản phẩm muối mang hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao, chưa cải thiện điều kiện làm việc diêm dân.
Bởi vậy, việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực diêm nghiệp cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, để sản xuất muối có hiệu quả, vùng quy hoạch sản xuất muối cần được đầu tư kỹ thuật, công nghệ, thiết bị sản xuất mới; tổ chức sản xuất đồng bộ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời gắn với du lịch trải nghiệm cánh đồng muối.
Thời gian qua, để tập trung nguồn lực, phát huy nguồn lực hỗ trợ của Bộ, các dự án khuyến nông nghề muối đều được triển khai trong vùng quy hoạch sản xuất muối tập trung, vùng triển khai đề án muối của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu, diêm dân đã cũng nhau chia sẻ các thông tin và những kinh nghiệm từ thực tế, thực trạng, giải pháp, định hướng phát triển muối tại Việt Nam; kết quả, hiệu quả mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp với hình thức sản xuất muối phơi nước phân tán; các mô hình du lịch muối thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ muối...
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế hiện có của tỉnh Bạc Liêu về phát triển sản xuất muối tỉnh Bạc Liêu, lĩnh vực diêm nghiệp của địa phương còn một số khó khăn, tồn tại như thu nhập của bà con diêm dân cũng còn khó khăn, chưa được cao, tương xứng với công sức lao động của diêm dân do giá muối tiêu thụ không ổn định, phần lớn phụ thuộc vào thương lái và sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết.
Đồng muối tỉnh Bạc Liêu nằm trên nền đất phù sa yếu nên phải đầu tư cải tạo lại mỗi năm để phục vụ cho sản xuất; do trên nền đất phù sa yếu nên chi phí đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất muối cao. Vì vậy, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của muối Bạc Liêu,...
Để phát triển sản xuất muối tỉnh Bạc Liêu bền vững, đạt hiệu quả, góp phần bảo tồn nghề làm muối Bạc Liêu, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối trên địa bàn tỉnh đồng bộ với cơ sở hạ tầng hiện hữu của địa phương, đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất, vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối, các dịch vụ mới trong lĩnh vực sản xuất muối để phát triển nghề sản xuất muối gắn với phát triển du lịch,... giúp cho các hộ sản xuất tiếp cận được các công nghệ mới, dịch vụ mới trong lĩnh vực sản xuất muối, để góp phần phát triển kinh tế khu vực vùng sản xuất muối...
Diêm dân Trần Việt Trung ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) chia sẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất muối của diêm dân gặp nhiều khó khăn do đa số chưa tiếp cận được nguồn vốn.
“Làm muối thì diêm dân nào cũng biết, nhưng muốn đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa máy móc và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thì cái cơ bản nhất là nguồn vốn. Mà việc tiếp cận với nguồn vốn thì còn gặp nhiều trở ngại. Chưa kể giá muối không ổn định, dẫn đến nguồn thu nhập của diêm dân vì thế cũng bấp bênh. Muốn đầu tư phát triển sản xuất mà không có nguồn vốn cũng coi như hoà”, ông Trần Việt Trung cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, nghề muối dù rất vất vả, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, nhưng thu nhập của diêm dân lại rất bấp bênh. Bởi hiện nay, các khâu trong sản xuất muối hầu hết đều làm bằng thủ công, năng suất thấp, lao động nặng nhọc nên để phát triển nghề muối được bền vững, đạt hiệu quả cao góp phần bảo tồn nghề muối, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã, diêm dân là điều kiện tiên quyết.
Quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao năng suất, để từ đó giảm sức lao động, đa dạng sản phẩm từ muối, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nâng cao giá trị kinh tế từ nghề muối cho diêm dân.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nhấn mạnh, những chia sẻ, kiến nghị từ các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và nhất là diêm dân ở các tỉnh sẽ được ngành chuyên môn tổng hợp ý kiến và có những kiến nghị gửi đến Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bộ, ngành Trung ương để có những chính sách, điều chỉnh hợp lý, kịp thời, sát thực tế. Qua đó, nhằm giúp cho việc sản xuất muối của diêm dân trong cả nước nói chung sẽ được thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, phát triển bền vững nghề muối.
Chanh Đa