Ứng dụng hiệu quả Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh

Ứng dụng hiệu quả Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Qua 1 năm triển khai thực hiện, việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai thông qua Bộ chỉ số năm 2021 đã phản ánh cơ bản công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh, thành phố.

Ứng dụng hiệu quả Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh ảnh 1Đê biển Tây Cà Mau luôn đặt trong tình trạng báo động mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Quy trình đánh giá chặt chẽ

Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh gồm 4 nhóm tiêu chí với 24 tiêu chí chính và 52 tiêu chí thành phần, cụ thể nhóm 1 là tổ chức nhiệm vụ Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy; nhóm 2 là phòng ngừa thiên tai; nhóm 3 là Ứng phó thiên tai; nhóm 4 là khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, thực hiện Quyết định số 12 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về ban hành Chương trình triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức đánh giá độc lập công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố.

Theo đó, việc đánh giá theo Bộ chỉ số trước hết được đánh giá bởi nhóm chuyên gia của Văn phòng thường trực và nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Trên cơ sở hai báo cáo, đánh giá độc lập của nhóm chuyên gia, Văn phòng thường trực phối hợp với UNDP tổ chức rà soát, phân tích đánh giá, kết hợp thực tiễn quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai đối với từng địa phương để thống nhất điểm số cuối cùng.

Dự thảo báo cáo tổng hợp và điểm số cuối cùng được Văn phòng thường trực gửi xin ý kiến góp ý của các đơn vị quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai tại Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Các đơn vị quản lý nhà nước đều thống nhất phương pháp đánh giá và cung cấp thông tin, phục vụ làm rõ về dự thảo kết quả đánh giá giúp đơn vị tư vấn điều chỉnh kết quả.

Trong quá trình thực hiện việc đánh giá theo Bộ chỉ số, Văn phòng thường trực đã phối hợp với UNDP tổ chức 3 cuộc hội thảo với các địa phương để trao đổi về kết quả đánh giá năm 2021 và bàn các giải pháp nâng cao công tác phòng, chống thiên tai của các địa phương. Văn phòng thường trực tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị quản lý và địa phương, kết quả cuối cùng đánh giá công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021 được trình Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã thành lập Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021 với các thành viên là lãnh đạo và một số thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tổ chức thẩm định kết quả đánh giá. Văn phòng thường trực đã phối hợp với UNDP hoàn thiện báo cáo kết quả đánh giá theo ý kiến của Hội đồng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021 theo 3 nhóm: Nhóm 1 gồm 10 tỉnh có kết quả tốt nhất; nhóm 2 gồm 43 tỉnh có kết quả trung bình; nhóm 3 gồm 10 tỉnh có kết quả thấp nhất.

Đánh giá về tính thực chất, khách quan và công bằng của Bộ chỉ số, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, mục tiêu của việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai thông qua Bộ chỉ số nhằm xác định chỉ số phòng, chống thiên tai để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai hàng năm của cấp tỉnh.

Ứng dụng hiệu quả Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh ảnh 2Sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ trên tuyến quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Hiệu quả đánh giá thông qua Bộ chỉ số

Thừa Thiên – Huế là một trong 10 tỉnh đứng tốp đầu trong việc đánh giá theo Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh năm 2021. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, trong quá trình ứng dụng đánh giá theo Bộ chỉ số này, tỉnh đã coi trọng ngay từ khâu triển khai, thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy và khâu phòng ngừa thiên tai. Cụ thể, trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các kỹ năng phòng tránh các hình thái thời tiết cho người dân và các cấp chính quyền cơ sở. Từ đó chính quyền và người dân nắm được diễn biến thiên tai, chủ động ứng phó, phòng ngừa. Chính vì vậy, trong năm 2021, mặc dù thiên tai xảy ra và có ảnh hưởng tới tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng do làm tốt các tiêu chí trong Bộ chỉ số nên thiệt hại thiên tai không lớn.

Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết: Thành phố Hải Phòng thực hiện tốt việc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai qua Bộ chỉ số. Theo đó, thành phố căn cứ vào các tiêu chí của của Bộ chỉ số để có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa trước mùa bão lũ và trong ứng phó các tình huống thiên tai. Thành phố thực hiện nghiêm túc công tác sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm; công tác di chuyển, bố trí neo đậu tàu thuyền thủy sản khi có bão; bố trí tái định cư cho nhân dân vùng ảnh hưởng thiên tai. Thành phố phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ thực hiện có hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện gặp sự cố trên biển. Công tác dự báo, cảnh báo bão và thời tiết nguy hiểm đã từng bước được tăng cường về chất lượng và tần suất thông tin.

Toàn thành phố đã xây dựng 36 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu. Đến nay, 217/217 xã, phường, thị trấn thành lập và củng cố Đội xung kích phòng, chống thiên tai. Các quận, huyện đã tổ chức kiện toàn bộ máy tổ chức, rà soát quy chế hoạt động, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành… Do vậy, trong năm 2021, thiên tai không ảnh hưởng lớn đến thành phố.

Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cho hay, trong công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số, tỉnh tập trung nhiều vào công tác chỉ đạo, điều hành, từng bước nâng cao năng lực trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Nhờ đó, Đắk Lắk được xếp thứ 7/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc về kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai.

Bổ sung, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá

Để tiếp tục thực hiện việc đánh giá theo Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đình Đức đề nghị mở rộng đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện theo Bộ chỉ số, rà soát lại những tiêu chí đánh giá khó định lượng để chỉnh sửa phù hợp và dễ hiểu hơn.

Đánh giá việc triển khai, thực hiện đánh giá theo Bộ chỉ số là bài bản, khoa học, phương pháp công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số là phù hợp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho rằng cần phải rà soát, chỉnh sửa một số nội dung cho sát thực, phù hợp hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, qua báo cáo tự đánh giá của các tỉnh, thành phố theo Bộ chỉ số gửi về Ban Chỉ đạo cho thấy, đa số địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống thiên tai của địa phương mình, tuy nhiên một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương còn lúng túng khi xây dựng báo cáo và tự đánh giá (nội dung chưa bám sát các chỉ số, còn thiếu nhiều tài liệu kiểm chứng) dẫn đến báo cáo còn sơ sài, chưa đầy đủ. Vì vậy, kết quả đánh giá cuối cùng chưa phản ánh hết năng lực thực tế của các địa phương.

Các tỉnh, thành phố đề xuất Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo gửi kết quả đánh giá chi tiết cho địa phương để nghiên cứu, làm cơ sở hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong những năm tiếp theo. Qua chia sẻ về phần mềm đánh giá Bộ chỉ số, các địa phương đề nghị năm 2022 được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, chuyển giao công nghệ để tiếp cận phần mềm đánh giá.

Hội đồng thẩm định của Ban Chỉ đạo đánh giá cao nỗ lực của Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương và sự hỗ trợ, tham gia trực tiếp của UNDP trong việc thực hiện đánh giá công tác phòng, chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021; thống nhất với phương pháp thực hiện, đảm bảo khách quan, minh bạch, kết hợp được kinh nghiệm của các chuyên gia trong phòng, chống thiên tai và cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai.

Hội đồng thẩm định thống nhất đánh giá, Bộ chỉ số là một công cụ quan trọng giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai.

Trong các nhóm tiêu chí, nhóm tiêu chí về công tác phòng ngừa có kết quả thấp hơn, đây là vấn đề quan trọng đặt ra mà thời gian tới cần được quan tâm, xem xét. Nhóm tiêu chí tổ chức bộ máy, các địa phương cũng đã rất nỗ lực nhưng thứ hạng chỉ đứng thứ 3 trong 4 nhóm tiêu chí, trong quá trình đánh giá cần xem xét thêm yếu tố thực tiễn, đồng thời nghiên cứu chỉnh sửa Bộ chỉ số, cố gắng theo kết quả thực tiễn, phân tích Bộ chỉ số để tìm ra nội dung chưa hợp lý của một số tiêu chí chính, tiêu chí thành phần…

Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai đến nay mới xây dựng ở cấp tỉnh. Trong bộ chỉ số này cũng có nhiều tiêu chí đánh giá về “4 tại chỗ” cũng như năng lực điều hành phòng, chống thiên tai ở cấp xã. Tuy nhiên, việc đánh giá này hiện còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Chính vì vậy, năm 2022, các địa phương căn cứ vào Bộ chỉ số này để xây dựng bộ chỉ số đánh giá phòng, chống thiên tai phù hợp cho cấp huyện, xã. Trong Bộ chỉ số năm 2022 và các năm tiếp theo, căn cứ vào dự báo tình hình thiên tai của từng năm, nếu năm nào ít thiên tai (ví như năm 2021) thì phải lấy công tác phòng, chống làm tiêu chí đánh giá và phòng, chống phải tập trung vào cấp xã...

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm