Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục khuyến khích người nông dân ứng dụng công nghệ vi sinh Gaet – Âu Lạc trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục khuyến khích người nông dân ứng dụng công nghệ vi sinh Gaet – Âu Lạc trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Đề án 445 về “Mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới thích ứng với biến đổi khí hậu” đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ thành viên các hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ và chuyển đổi cơ cấu đất đai, mùa vụ để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu của vùng. Ngoài ra, mô hình còn giúp kết nối nông dân, nông hộ với các doanh nghiệp, tổ chức để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên; giúp thành viên nâng cao thu nhập trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu. Qua hai năm thực hiện đề án, kinh tế hợp tác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Nếu như, trước khi triển khai đề án, toàn vùng chỉ có 1.251 hợp tác xã nông nghiệp, thì đến cuối năm 2018 đã tăng lên 1.803 hợp tác xã; trong đó, 63% số hợp tác xã đã có liên kết với các doanh nghiệp theo hướng hợp tác lâu dài. Quy mô về số lượng thành viên và sản xuất của các hợp tác xã cũng tăng lên đáng kể, từ bình quân 77 thành viên/hợp tác xã đã tăng lên 130 thành viên/hợp tác xã. Việc chỉ đạo, hỗ trợ hợp tác xã đã có bước chuyển biến, được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Nhiều hợp tác xã đã tiếp cận được các chính sách ưu đãi của nhà nước; quy mô, phương thức hoạt động có sự thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn tổ chức 35 cuộc hội nghị, hội thảo và 115 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho gần 5.000 lượt cán bộ, thành viên, nhân dân trong vùng thí điểm; qua đó, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã đã nâng lên rõ rệt. Các tỉnh, thành phố đều có tập trung thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật, thị trường tham gia liên kết kinh doanh với hợp tác xã. Tuy nhiên, trong hỗ trợ hợp tác xã thực hiện các nội dung thí điểm vẫn còn một số địa phương còn lúng túng, bị động trong việc hỗ trợ thu hút lao động có trình độ đại học về làm việc tại các hợp tác xã; khai thác vốn doanh nghiệp, vốn quỹ phát triển hợp tác xã, vốn tín dụng nội bộ… Nhận thức, năng lực của một số đơn vị quản lý hợp tác xã về tài chính, tiếp cận khoa học công nghệ, xúc tiến thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn chưa đạt yêu cầu. Cơ chế chính sách về hỗ trợ ưu đãi đối với các hợp tác xã nông nghiệp vận hành theo mô hình mới thích ứng biến đổi khí hậu còn chưa đồng bộ tại một số địa phương. Theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, trong thời gian tới nhiệm vụ tiếp theo cần tập trung là đẩy nhanh việc triển khai thực hiện hỗ trợ thu hút lao động có trình độ đại học về làm việc tại hợp tác xã theo Thông tư 340/2016/TT-BTC. Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã thí điểm chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh, chưa ký kết liên kết kinh doanh với doanh nghiệp, cũng như tiếp cận các nguồn vốn tín dụng… Bên cạnh đó, về chính sách cần xác định các vùng, địa bàn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt dễ bị tổn thương để các cấp trung ương kịp thời bố trí nhân sự hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn xây dựng các chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp, đổi mới phương pháp sản xuất kinh doanh. Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chính thức triển khai ứng dụng công nghệ vi sinh Gaet – Âu Lạc vào vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là công nghệ sử dụng phân bón vi sinh cùng các phương pháp nuôi trồng theo hướng hữu cơ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra nông sản “sạch” và tiết kiệm chi phí sản xuất do liên danh Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) – Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc – Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt phối hợp nghiên cứu và phát triển. Theo phản hồi từ các hợp tác xã khu vực Tây Nam Bộ được chọn thí điểm ứng dụng công nghệ này vào quy trình canh tác, kết quả bước đầu thu được rất khả quan. Theo Hợp tác xã Nông nghiệp Rạch Lọp (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), sau khi ứng dụng công nghệ vi sinh Gaet – Âu Lạc, hợp tác xã từ 50 ha vụ lúa Đông Xuân vào năm 2017 đã nhân ra hơn 1.000 ha vào vụ Hè Thu 2018 vừa qua; lúa sản xuất theo hướng hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí trên 2 triệu đồng/ha và thân thiện với môi trường nhưng năng suất bằng với năng suất lúa canh tác theo phương pháp hoá học truyền thống. Sau Hợp tác xã Rạch Lọp, đến nay trên toàn huyện Tiểu Cần đã có 9 hợp tác xã áp dụng mô hình này. Nhiều hợp tác xã nuôi tôm tại các địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ sau khi áp dụng công nghệ vi sinh Gaet – Âu Lạc trên khâu nuôi tôm bố mẹ và tôm giống cũng đạt kết quả ngoài mong đợi, nếu như trước đây có vùng chỉ nuôi đến kích thước 100 con tôm/kg là phải bán thì nay đã cải thiện lên 30 con/kg; nhiều nơi tôm lúa tỷ lệ sống chỉ khoảng 1-2% thì nay tăng lên 80%... Trên cơ sở đó, trong thời gian tới các cấp quản lý địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền vận động, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích người nông dân ứng dụng công nghệ vi sinh Gaet – Âu Lạc trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu tạo thị trường riêng cho nông sản an toàn không hoá chất và xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện môi trường. Quy định mỗi địa phương hàng năm phải có kế hoạch mở rộng các vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ  môi sinh đất, nước; khôi phục lại hệ sinh thái nhiều năm chịu ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu.
Hồng Giang

Có thể bạn quan tâm