Ứng dụng công nghệ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm

Ứng dụng công nghệ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm
Làng lụa Hội An khôi phục nghề dâu tằm gắn với thu hút khách du lịch. Ảnh: nhandan.com.vn
Làng lụa Hội An khôi phục nghề dâu tằm gắn với thu hút khách du lịch. Ảnh: nhandan.com.vn

Để cứu lấy nghề, năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) phối hợp với Công ty Cổ phần Tơ lụa Hội An trồng thí điểm 5 ha dâu tại bãi bồi xã Điện Quang. Những hộ tham gia trồng dâu được Hợp tác xã hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; hỗ trợ cả công nghệ hiện đại trong quá trình nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ và dệt lụa. Nỗ lực này cộng với định hướng khôi phục các làng nghề gắn với du lịch của tỉnh Quảng Nam được kỳ vọng sẽ góp phần khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm xứ Quảng vang bóng một thời.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty Cổ phần Tơ lụa Hội An trồng thí điểm 3 ha dâu giống GQ2 và 2 ha dâu giống G7 của Lâm Đồng ở ven sông Thu Bồn với sự tham gia của nhiều hộ trong vùng. Những hộ tham gia trồng dâu được Hợp tác xã hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Từ nay đến năm 2025, Hợp tác xã sẽ nâng diện tích trồng dâu lên 200 ha. Hy vọng rằng việc khôi phục lại nghề truyền thống này sẽ thành công.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, muốn khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa cần phải ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Trong đó, nhất thiết phải áp dụng quy trình thâm canh giống dâu lai mới để nâng cao chất lượng lá dâu; nghiên cứu, tuyển chọn giống tằm nuôi thích hợp với điều kiện của từng địa phương, hoàn thiện quy trình nuôi tằm tiên tiến nhằm tăng năng suất kén. Bên cạnh đó, các dây chuyền, thiết bị phục vụ khâu ươm tơ và dệt lụa cần được hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tơ, phát triển các sản phẩm chế biến nổi bật thể hiện được đẳng cấp của tơ tằm. “Hiện Hợp tác xã đang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng này”- ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ, trong hai năm qua, người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua các loại vật tư, phân bón, khoan giếng bơm, mua sắm dụng cụ và được hỗ trợ kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng dâu, tăng quy mô nuôi tằm trong từng hộ gia đình. Các Hợp tác xã đứng ra làm đầu mối bao tiêu toàn bộ số kén với giá không dưới 140 ngàn đồng/kg cho người trồng dâu, nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã tìm lại được vị trí và giá trị của mình.
 
Tham gia trồng dâu nuôi tằm, bà Đỗ Thị Ba, thôn Xuân Đài, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn cho biết, nhờ được hỗ trợ, nghề trồng dâu nuôi tằm đã thực sự được hồi sinh theo quy mô hộ gia đình. “Nếu được Hợp tác xã đầu tư theo mô hình sản xuất tập trung gắn với việc áp dụng kỹ thuật từ khâu chọn giống dâu đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật chăn nuôi tằm hiện đại, chắc chắn thị xã Điện Bàn và các vùng lân cận sẽ cung cấp cho thị trường sản lượng tơ lụa đáng kể”, bà Đỗ Thị Ba kỳ vọng.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa mà trong mỗi sản phẩm còn hàm chứa những giá trị về văn hóa, tinh thần, cốt cách của con người xứ Quảng. Thời gian gần đây, đã có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, xuất hiện nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh, sản xuất các mặt hàng tơ lụa gắn với phát triển du lịch. Tỉnh Quảng Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa một thời vang bóng.
  Đoàn Hữu Trung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm