Ứng dụng AI vào chế biến thịt bò thuần chay

Món thịt chay Alt-Steak. Ảnh : Reuters
Món thịt chay Alt-Steak. Ảnh : Reuters

Ngành công nghiệp chế biến thịt bò thuần chay đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm ra những sản phẩm thay thế thịt bò thật, có nguồn gốc từ thực vật.

Ứng dụng AI vào chế biến thịt bò thuần chay ảnh 1Món thịt chay Alt-Steak. Ảnh : Reuters

Tập đoàn Firmenich (Thụy Sĩ), một trong những nhà bào chế gia vị hàng đầu thế giới, cho biết việc tái tạo cảm giác giống như ăn thịt bò thật không chỉ dựa vào hương vị, kết cấu và màu sắc, mà còn hình dạng khi nấu và cảm giác khi ăn thịt bò thuần chay.

Theo người phụ trách mảng hương vị của tập đoàn, ông Emmanuel Butstraen, việc tìm ra một protein thực vật tương tự với thịt là một công việc rất phức tạp với một trong những thách thức lớn nhất là không để lại dư vị khó chịu sau khi ăn.

Trong khi đó, giám đốc phụ trách về đổi mới của tập đoàn Firmenich, Jerome Barra cho biết protein từ thực vật có thể tạo ra liên tưởng giống như dư vị của táo xanh, lê hay đậu, hoặc thậm chí là cảm giác khô, se trong miệng. Để giấu đi hay làm mất những vị này, các chuyên gia hương vị phải mất nhiều công đoạn từ khâu lựa chọn thành phần nguyên liệu, pha trộn hay loại bỏ rất phức tạp.

Tuy nhiên, ông Barra cho rằng AI có thể hỗ trợ rất nhiều cho các chuyên gia trong vấn đề này. Thuật toán có thể tạo ra không chỉ một loạt các tổng hợp hương vị khác nhau mà còn là yếu tố làm thay đổi sở thích của người tiêu dùng. Thuật toán giúp tính toán phối hợp các thành phần nguyên liệu mà từ đó các chuyên gia có thể tạo ra hương vị. Ngoài ra, thuật toán cũng có thể đưa ra nhiều sự tổng hợp hương vị mà các chuyên gia về hương vị khó có thể làm được.

AI đã giúp tập đoàn Firmenich phát triển một hương vị từ thực vật giống như hương vị đặc trưng của thịt nướng.

Theo giám đốc điều hành Firmenich, Gilbert Ghostien, thực phẩm thuần chay là một sự thay đổi rất quan trọng trong tiêu dùng. Xu hướng này trở nên ngày càng phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse cho biết thị trường các sản phẩm thuần chay thay thế thịt và bơ sữa trên toàn cầu đã có trị giá khoảng 14 tỷ USD và sẽ lên tới 143 tỷ USD vào năm 2030 và 1.400 tỷ USD vào năm 2050.

Với chế độ ăn kiêng đa dạng và lo ngại về lượng khí thải CO2 từ hoạt động chăn nuôi và chế biến thịt, thị trường thực phẩm thuần chay đang phát triển mạnh mẽ với tầm ảnh hưởng của các công ty khởi nghiệp Mỹ như Beyond Meat hay Impossible Food cũng như các tập đoàn công nghiệp như Nestle hay Unilever, vốn đã tham gia vào thị trường này.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu từ thịt thuần chay trong năm nay sẽ tăng 5,1% và tăng 6,3% vào năm sau. Trong khi đó, mức tăng doanh thu của ngành chế biến thịt thế giới được dự báo lần lượt là 2,9% và 4,6%.

Minh Châu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm