UNFPA bàn giao cho Bộ Y tế ứng dụng di động mới và thiết bị tập huấn y tế trực tuyến sức khỏe sinh sản cho các dân tộc thiểu số

Ảnh chụp màn hình ứng dụng MCH247 trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android
Ảnh chụp màn hình ứng dụng MCH247 trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android

Sáng 18/3, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chính thức ra mắt ứng dụng di động Mẹ Con Vui Khỏe (MCH247), tạo điều kiện để phụ nữ có thể làm chủ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của mình, trong thời gian mang thai, sinh con, đồng thời theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ cũng như lịch tiêm chủng.

UNFPA bàn giao cho Bộ Y tế ứng dụng di động mới và thiết bị tập huấn y tế trực tuyến sức khỏe sinh sản cho các dân tộc thiểu số ảnh 1Chị Điểu Thị Kim Xuân, y tế thôn bản ở xã Phú Nghĩa, huyện biên giới Bù Gia Mập, Bình Phước tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho đồng bào thiểu số. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Đặc biệt, các bà mẹ tại Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giờ đây đã có thể tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở mọi nơi.

Ứng dụng được thiết kế cho hệ điều hành iOS và Android cùng các phiên bản cho máy tính (hệ điều hành Windows), phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Đây là một trong những can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa được triển khai nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận và sử dụng thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục không bị gián đoạn trong bối cảnh COVID-19.

Ứng dụng đã được thí điểm tại các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn và dự kiến nhân rộng ra các tỉnh khác, đặc biệt tại các địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số và lao động di cư.

UNFPA bàn giao cho Bộ Y tế ứng dụng di động mới và thiết bị tập huấn y tế trực tuyến sức khỏe sinh sản cho các dân tộc thiểu số ảnh 2Ảnh chụp màn hình ứng dụng MCH247 trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android

Phát biểu tại lễ ra mắt và bàn giao ứng dụng, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), đã nêu bật những đóng góp của ứng dụng MCH247 vào nỗ lực của Bộ Y tế trong việc đảm bảo cung cấp thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho người dân, đặc biệt trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.

Ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh: “Bộ Y tế rất cảm ơn hỗ trợ của UNFPA và Chính phủ Nhật Bản trong việc phát triển công cụ kỹ thuật số hữu ích này. Ứng dụng như một cầu nối ảo giúp các nhân viên y tế, trong đó có cô đỡ thôn bản, tiếp cận với bệnh nhân để cung cấp thông tin và dịch vụ toàn diện về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Ứng dụng đặc biệt hữu ích cho phụ nữ trong thời gian đại dịch COVID-19 trước yêu cầu hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội, hoặc trong các tình huống khủng hoảng nhân đạo khác. Đây là một trong những nỗ lực của chúng tôi để đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trong và sau đại dịch".

UNFPA Việt Nam cũng đã bàn giao cho Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em một bộ thiết bị hội nghị, tập huấn y tế trực tuyến, một phần thiết yếu trong sáng kiến chăm sóc sức khỏe từ xa. Với bộ thiết bị này, Bộ Y tế có thể giám sát và hỗ trợ chuyên môn về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục từ xa cho tuyến tỉnh, tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao năng lực và chỉ đạo chuyên môn về các quy trình và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara nhấn mạnh COVID-19 đã làm quá tải hệ thống y tế của Việt Nam, tuy nhiên điều quan trọng là phải đảm bảo cung cấp liên tục các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thiết yếu cho phụ nữ mang thai và các nhóm dễ bị tổn thương khác ngay cả trong đại dịch. Các bà mẹ mang thai có xu hướng trì hoãn hoặc hủy các buổi khám thai, điều này khiến cho việc phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ rất khó khăn. Đây là một yếu tố rủi ro đối với nhiều phụ nữ.

Bà Naomi Kitahara chia sẻ: “Nhờ nguồn hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản, UNFPA rất tự hào khi có thể phối hợp cùng với Bộ Y tế và Trung tâm CCIHP phát triển ứng dụng điện thoại MCH247. Ứng dụng này là một phần trong sáng kiến chăm sóc sức khỏe từ xa mà chúng tôi đang triển khai, tuy nhiên tập trung hướng tới chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho nhóm dân tộc thiểu số. Việc mang thai hay sinh con sẽ không vì tình hình đại dịch mà dừng lại, và phụ nữ cần được chăm sóc sức khỏe liên tục trong thời gian mang thai. Chúng tôi đã nghiên cứu các công nghệ mới để hỗ trợ tổ chức các buổi khám lâm sàng trực tuyến, giám sát và hỗ trợ chuyên môn, tập huấn và phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến tỉnh, đồng thời đảm bảo tính liên tục và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở tất cả các tuyến. Thông thường, chúng tôi hỗ trợ Bộ trong hoạt động xây dựng năng lực, nhưng COVID-19 khiến việc tổ chức đào tạo trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng xây dựng hệ thống thiết bị hội nghị, tập huấn trực tuyến".

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định cam kết của cơ quan này tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế quản lý ứng dụng MCH 247 để người dân trên toàn quốc có thể tiếp cận ứng dụng này, góp phần đạt được mục tiêu: Không có tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa. Không để phụ nữ nào phải chết khi sinh con.

Nghiên cứu mô phỏng của UNFPA thực hiện vào năm 2020 đã ước tính tỷ lệ tử vong mẹ có khả năng sẽ tăng 44-65% do tác động tiêu cực của COVID-19. UNFPA hết sức quan ngại về vấn đề này vì về cơ bản, điều này đồng nghĩa nhiều phụ nữ có thể qua đời khi mang thai và sinh con trong đại dịch, làm đảo ngược những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong 20 năm qua và đe dọa đến việc đạt được của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam năm 2020 đứng thứ 9 trên thế giới với 63,1% dân số sở hữu điện thoại thông minh (Statista). Ngoài ra, tính tới tháng 1/2020, người sử dụng Internet tại Việt Nam chiếm 70% dân số. Số lượng người sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ dành 3 giờ 18 phút để sử dụng Internet qua thiết bị di động (Appota). Một nghiên cứu do UNFPA thực hiện tại 60 xã dân tộc thiểu số nghèo nhất vào năm 2022 cho thấy 55% phụ nữ dân tộc thiểu số có điện thoại di động và 41% truy cập Internet qua điện thoại thông minh. Bối cảnh của đại dịch COVID-19 và tỷ lệ sử dụng Internet, di động lớn là nền tảng để phát triển ứng dụng di động, quảng bá phương tiện chăm sóc sức khỏe từ xa để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục không bị gián đoạn do COVID-19 cùng các tình huống khẩn cấp khác.

Việt Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm