Tỷ phú nông dân vùng sông Hậu

Tỷ phú nông dân vùng sông Hậu

Vươn lên làm giàu

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cuộc sống thiếu thốn quanh năm, vô cùng cơ cực nhưng nông dân Hà Tấn Tâm (sinh năm 1963) là người dám nghĩ dám làm, quyết tâm không cam chịu đói nghèo. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp vận động, hỗ trợ cho vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình sản xuất, ông Hà Tấn Tâm đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất.

“Sau thời gian trăn trở, suy nghĩ, tôi thấy nơi mình đang cư trú được thiên nhiên ưu đãi ban tặng đó là vùng đất trù phú được bồi đắp phù sa bởi con sông Hậu mênh mông, hiền hòa, nước ngọt quanh năm, giao thông thủy, bộ thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa dể dàng. Vì vậy, gia đình tôi đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp: Làm vườn, nuôi thủy sản và dịch vụ vận tải đường thủy về thức ăn nuôi cá”, ông Tâm cho biết.

Khi phong trào nuôi cá tra phường Thới An phát triển, gia đình ông cũng đào ao nuôi cá, lúc đầu thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn nên thất bại. Nhưng không nản lòng, ông bắt đầu đi học hỏi kinh nghiệm ở các nơi như An Giang, Đồng Tháp… Đồng thời, nhờ và tiếp tục được sự động viên của chính quyền địa phương và Hội Nông dân giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, từ đó những vụ tiếp theo đạt kết quả khá tốt. 

Đến năm 2007, 2008 giá cá tra xuống thấp, cá khó bán ra, gia đình ông lại kịp thời chuyển hướng sang nuôi gia công cho Công ty Hùng Vương và tham gia quản lý các vùng nuôi của Công ty ở Bến Tre, Tiền Giang. Cùng với đó, ông Tâm đã đầu tư trồng các loại cây ăn trái với diện tích vườn 8 ha gồm: nhãn, xoài, cam xoàn. 

Với sự cố gắng làm ăn, biết tích lũy và tiết kiệm trong sinh hoạt nên dần dần gia đình ông đã có của ăn, của để. Nhưng không dừng lại đó, ông Tâm tiếp tục tập trung nghiên cứu thị trường địa phương và lợi thế đường thủy của dòng sông Hậu và mạnh dạn mở dịch vụ vận tải thức ăn thủy sản gồm: 12 ghe, tổng trọng tải 1.200 tấn.

Từ một gia đình nghèo khó do ít đất, thiếu vốn, thiếu kiến thức, nay vượt khó vươn lên, đến nay, quy mô sản xuất của gia đình ông lên đến 8 ha: 2 ha trồng nhãn; 3 ha trồng xoài; 3 ha trồng cam xoàn; nuôi gia công cá tra xuất khẩu 5 ha; tổ chức dịch vụ vận chuyển thức ăn thủy sản với 12 ghe, tổng trọng tải 1.200 tấn.

Mô hình kinh doanh tổng hợp này đã đem lại hiệu quả tích cực, đem lại thu nhập kinh tế lớn cho gia đình ông. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hàng chục tỷ đồng, năm 2014, mức thu là 12,8 tỷ đồng, năm 2015 ước tính thu khoảng 14 - 15 tỷ đồng. Với mức thu nhập này, gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 đến 65 lao động, mức tiền công 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Giúp hộ khó khăn thoát nghèo

Vươn lên từ gia đình nghèo, ông Tâm luôn tâm niệm phải giúp đỡ những người khó khăn, cần được giúp đỡ, hỗ trợ. Trong 5 năm qua, bên cạnh việc mở rộng sản xuất, kinh doanh và buôn bán, ông Tâm đã không ngừng nghỉ công việc làm từ thiện. Gia đình ông đã đóng góp công sức và tiền của để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, làm cầu, đường, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tại phường Thới An, phường Thới Long, quận Ô Môn, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ). 

Ông còn đóng góp cho hoạt động nhân đạo tại các tỉnh như Bến Tre, Ninh Thuận, Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để ủng hộ tiền cho bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, giúp bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương, đóng góp quỹ khuyến học, ủng hộ Chương trình “Mổ tim nhân đạo”, Chương trình “Chấp cánh ước mơ”, công nhân nghèo có đời sống khó khăn… với tổng các khoản đóng góp trên trong 5 năm qua trên 1 tỷ đồng. 

“Xuất thân từ nhà nghèo nên tôi rất hiểu nỗi khổ của người nghèo. Tôi suy nghĩ gia đình nay đã khá giả thì mình phải làm gì để giúp đỡ những người khó khăn và cho xã hội”, ông Tâm chia sẻ.

Với sự cố gắng và tấm lòng thiện nguyện tốt đẹp, ông đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân TP Cần Thơ công nhận là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp 5 năm liền (2011-2015); được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Chủ tịch quận Ô Môn tặng nhiều Bằng khen, giấy khen và tuyên dương điển hình tiên tiến, được Chủ tịch Nước tặng Huân Chương lao động hạng Nhì vào đầu tháng 9 năm 2015 tại Hà Nội.

Chuyện vượt khó đi lên của gia đình nông dân Hà Tấn Tâm là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Khi được hỏi, kinh nghiệm để đi đến thành công, ông Tâm thật thà chia sẻ: “Bản thân phải quyết tâm kiên trì, tâm huyết, chịu khó học hỏi, biết phát huy nội lực, làm giàu chính đáng, là động lực chủ yếu là nhân tố quyết định sự thành công. Cùng với đó, tham gia các hoạt động của Hội Nông dân, cùng nhau sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Ông Tâm cho biết thêm, thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn tiêu chuẩn Viet GAP, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm