Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia trong hệ thống chính trị còn thấp.

Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia trong hệ thống chính trị còn thấp.

Theo khảo sát nhanh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh, chỉ có 11% số ghế dành cho nữ giới. Phụ nữ dân tộc thiểu số càng không có nhiều cơ hội để tham gia vào cấp ủy Đảng, hội đồng nhân dân các cấp.

 

Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ đã đặt ra mục tiêu có ít nhất 25% nữ giới tham gia vào cấp ủy Đảng; từ 30 – 40% nữ giới tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, theo bà Thang Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ, còn một khoảng cách khá xa giữa thực tế và mục tiêu đặt ra:

 

- So với mục tiêu đề ra thì chúng ta chưa đạt yêu cầu. Tỉ lệ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới đạt 25,17%, cấp huyện và cấp xã còn thấp hơn; chưa có cấp nào đạt 30% như mục tiêu nhiệm kì vừa qua đặt ra. Trong vòng 20 năm qua, tỉ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới tăng gần 5%, cấp xã hơn 6%, cấp tỉnh gần 7%.

  aa.jpg

Tại một hội nghị về bình đẳng giới. Ảnh minh họa: baomoi.vn

Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia trong hệ thống chính trị cơ sở còn thấp, chưa tương xứng với số lượng và những đóng góp của chị em đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: hiện nay, vẫn còn một số dân tộc thiểu số chưa có đại diện trong Quốc hội, gần 20 dân tộc thiểu số chưa có người giữ vị trí quản lý trong cơ quan hành chính:

 

- Tỷ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số hiện nay còn quá ít. Các dân tộc thiểu số như Si La, La Hủ, Cống, Mảng, Lự… hiện nay vẫn chưa có cán bộ nữ tham gia vào đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp. Những khó khăn, những rào cản về phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cũng đã tác động tới công tác cán bộ nữ.

Có nhiều nguyên nhân cản trở sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số, tham gia vào hệ thống chính trị. Theo ông Phạm Quang Trung, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, một số cơ quan, lãnh đạo chưa nhận thức đúng và có chính sách phù hợp trong tuyển dụng và phát triển cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Chính vì thế, ngay Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2011 đến nay chỉ tuyển dụng được 1 cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Ông Phạm Quang Trung phân tích nguyên nhân: 

- Chỉ tiêu biên chế giao cho cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện rất ít. Cơ hội để phụ nữ là người dân tộc thiểu tham gia làm công tác dân tộc là không cao. Trong công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ có nơi nhận thức chưa sâu sắc; chưa tạo điều kiện cần thiết cho cán bộ nữ vươn lên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Cán bộ nữ ở một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng cho đi đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị.

  dan-toc-140515-1431587706810.jpg

Phụ nữ dân tộc thiểu số trong bộ máy chính trị. Ảnh minh họa: baomoi.vn

Theo bà Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, cũng là một người con dân tộc Thái, thì nguyên nhân quan trọng nhất chính là rào cản của thiết chế xã hội truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh Lai Châu rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ; mà tỉ lệ nữ lãnh đạo các cơ quan từ cấp xã tới cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số còn chưa tới 20%.

 

- Về chủ quan, việc phụ nữ tự vươn lên, tự thoát khỏi rào cản của chính bản thân mình cũng có nhiều trắc trở. Thứ 2, rảo cản từ xã hội, cũng còn nhiều định kiến về phụ nữ. Thậm chí, lãnh đạo của một số cấp ngành chưa thực sự tin tưởng vào năng lực của nữ, đặc biệt là nữ người dân tộc thiểu số. Một việc nữa là có thể người ta có năng lực thực sự nhưng cách diễn đạt, cách thể hiện của nữ cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Đấy là một số vấn đề đối với nữ người dân tộc thiểu số - bà Vương nhận định.

 

Phụ nữ dân tộc thiểu số còn chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều vùng, các chị không được đi học hoặc không được học lên cao. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, phụ nữ chỉ nên ở nhà nuôi con.. đã hạn chế việc chị em tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Vì thế, việc cần thiết đầu tiên để nâng cao tỉ lệ cán bộ nữ là đào tạo,  theo bà Lò Thị Mai Kiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sơn La. Đối với một số dân tộc đặc biệt khó khăn chưa có cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ, thì cần có chính sách ưu đãi đặc thù. Nếu để bản thân chị em tự vươn lên thì rất khó. 

Theo bà Lò Thị Vương, kinh nghiệm mà tỉnh Lai Châu đang áp dụng là quy hoạch theo từng giai đoạn, từng lứa tuổi: "ưu tiên đào tạo, tìm nhân tố từ khi các bạn ấy đang học phổ thông. Và khi các bạn đó học xong thì bố trí công việc phù hợp với điều kiện, năng lực thực tế. Có như vậy mới có cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc rất ít người”.

 

Theo đại diện một số ban ngành trung ương, hiện nay, công tác phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ ở nhiều địa phương chưa tốt. Vì thế, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số có năng lực nhưng chưa được giới thiệu, được tín nhiệm để tham gia công tác. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng: Ban dân tộc và Hội phụ nữ các tỉnh cần làm tốt việc giới thiệu quy hoạch cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số trước các kì đại hội, các cuộc bầu cử, chỉ nói riêng Quốc hội, làm sao để có đại diện tất cả các dân tộc tham gia.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm