Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn

Vừa qua, tại Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tiến hành họp Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký xây dựng đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng bào vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn" do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh buổi họp.
Toàn cảnh buổi họp.

Theo Quyết định 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 giao cho UBDT làm cơ quan chủ trì xây dựng, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương về xây dựng Đề án. Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, rộng khắp với chất lượng ngày càng cao hơn nhằm giúp cho cán bộ, nhân dân, trong đó có người dân tộc thiểu số hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo dự án đã thống nhất, xác định những mục tiêu và đối tượng cụ thể của Đề án: xây dựng nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương; thực hiện xây dựng một số hình mẫu phổ biến, hướng dẫn chính sách pháp luật, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vướng mắc của đồng bào; tổng hợp và biên soạn những tài liệu hướng dẫn thực hiện pháp luật, các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước với hình thức đơn giản, dễ hiểu; chỉ đạo thí điểm một số xã về tuyên truyền vận dụng pháp luật qua các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; củng cố, xây dựng ban quản lý các mô hình ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự sát sao của Vụ Pháp chế trong việc hoàn thiện Đề án. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu Vụ Pháp chế hoàn chỉnh lại Đề án; cần có sự chuẩn bị, tích cực để trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016; tìm hiểu kỹ hơn về Đề án, làm rõ hơn cơ sở của Đề án để tránh trùng lặp với các Đề án khác; xác định lại đối tượng, phạm vi và cần có sự sàng lọc kỹ để Đề án có tính khả thi cao.

Có thể bạn quan tâm