Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh cẩn trọng khi lựa chọn phương thức xét tuyển

Từ ngày 22/7-20/8 là khoảng thời gian các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022. Điểm mới năm nay là dù xét tuyển bằng hình thức nào thì tất cả các nguyện vọng đều được đăng ký lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lọc ảo chung.

Các trường đại học không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm. Cùng với đó, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông mới phải đăng ký nguyện vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có xu hướng giảm mạnh và tăng ở những phương thức tuyển sinh khác. Đây là điều mà thí sinh cần đặc biệt lưu tâm trong cuộc đua vào đại học.

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy. Vì thế, cơ hội trúng tuyển cho thí sinh xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vào trường này cũng giảm mạnh chỉ còn 20-30%.

Ông Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu đã mong muốn chủ động tạo ra một chuẩn đầu vào mà không phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện nay. Các thí sinh được chọn lựa qua kỳ thi riêng thì hoàn toàn yên tâm các em sẽ đủ năng lực học tập, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà trường.

Tuy nhiên, năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn tạo cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác. Vì vậy, lời khuyên cho các thí sinh đó là sau khi biết kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, từ các kỳ thi đánh giá năng lực – tư duy, các em có thể cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển nào là lợi thế.

Trong khi chờ đợi xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (chiếm 50% chỉ tiêu) thì Trường Đại học Hà Nội đã tiến hành xét tuyển với phương thức xét kết hợp theo quy định của trường – xét từ các chứng chỉ ngoại ngữ, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, học sinh các lớp chuyên, lớp song ngữ của các Trường Trung học Phổ thông chuyên… (45% chỉ tiêu). Dù nhiều em đủ điều kiện trúng tuyển với phương thức này nhưng trường vẫn phải chờ sau khi lọc ảo mới công bố kết quả.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc việc lọc ảo chung là rất phù hợp, đảm bảo tính công bằng giữa các trường. Thí sinh không phải phân vân lựa chọn việc xác nhận trúng tuyển ở trường A hay trường B… khi các trường có các mốc thời gian xét tuyển sớm khác nhau như trước đây. Đến hiện tại, tất cả thí sinh khi đăng ký ở các hình thức khác nhau, các trường khác nhau đều có cùng một khoảng thời gian để chốt đăng ký nguyện vọng của mình lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ. Điều đó cho phép thí sinh có cùng thời điểm để suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn của mình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: Việc lọc ảo cũng tốt cho các trường vì khi áp dụng đồng bộ, các trường sẽ tính toán được chính xác nhất số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình theo các phương thức xét tuyển khác nhau. Ví dụ như năm trước, do hình thức xét tuyển kết hợp được tiến hành trước nên tỷ lệ ảo cao, thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường nhưng sau đó lại thay đổi nguyện vọng. Nhưng năm nay các trường sẽ xét tuyển cùng thời điểm, sử dụng chung một cơ sở dữ liệu.

Dành lời khuyên cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội lưu ý: Các em nên cân nhắc thật kỹ khi sắp xếp các nguyện vọng. Nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng đảm bảo cho mình cơ hội đỗ vào trường đại học cao nhất và đó là ngành, trường mà mình mong muốn, yêu thích nhất. Các nguyện vọng khác theo mức độ giảm dần, tương ứng với sự yêu thích, hài lòng cũng như sở trường của bản thân đối với ngành học đó.

Năm nay, mỗi phương thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định một mã để đăng ký xét tuyển. Các trường đều gắn mã này cho từng đối tượng xét tuyển theo từng phương thức. Vì vậy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý sử dụng chính xác mã phương thức để đăng ký.

Không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm

Trước việc một số trường đại học yêu cầu thí sinh phải cam kết đặt nguyện vọng đã trúng tuyển làm nguyện vọng 1, thậm chí bắt thí sinh nộp tiền đặt cọc để xác nhận nhập học sớm, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đây là việc làm vi phạm các nguyên tắc quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022.

Cụ thể, nguyên tắc công bằng đối với thí sinh được quy định trong Điều 4, Quy chế: Về cung cấp thông tin, mỗi thí sinh quan tâm được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia tuyển sinh.

Về cơ hội dự tuyển, không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Về đánh giá năng lực, thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.

Về cơ hội trúng tuyển, thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển.

Về thực hiện cam kết, cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

Khoản 2, 3, Điều 18 Quy chế đã quy định: Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp Trung hoc Phổ thông) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

Ngoài ra, Công văn 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).

Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Nếu các cơ sở giáo dục vi phạm các quy định của Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể áp dụng các hình thức xử lý, xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Các thông tin phụ huynh và thí sinh có thể phản ánh tới Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).

Ngoài trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương cũng có thể hỗ trợ thí sinh để có được thông tin đầy đủ, phối hợp với các trường để giải quyết các vướng mắc của thí sinh.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thông tin đăng ký xét tuyển. Khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định. Đặc biệt, các thí sinh lưu ý không nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển: mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển… Với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện, phải được đăng ký nguyện vọng chính xác trên hệ thống để không làm mất cơ hội trúng tuyển. 

Việt Hà

Tin liên quan

Thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến

Bắt đầu từ ngày 22/7, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Hạn cuối để thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là 17h ngày 20/8/2022.


Xét tuyển đại học 2022: Thí sinh cần có chiến lược để giảm thiểu rủi ro khi xét tuyển

Quy chế tuyển sinh Đại học, tuyển sinh Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định, phát huy những ưu điểm, thành công đã đạt được từ công tác tuyển sinh những năm vừa qua. Bên cạnh đó, Quy chế cũng điều chỉnh một số nội dung về mặt kỹ thuật nhằm khắc phục những khó khăn, bất hợp lý còn tồn tại.


Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022

Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.


Tuyển sinh Đại học 2022: Lọc ảo chung không ảnh hưởng đến quyền tự chủ xét tuyển của các trường

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, trong đó dự kiến sẽ điều chỉnh kỹ thuật lọc ảo để tuyển sinh, một số chuyên gia cũng như đại diện cơ sở đào tạo vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy đã trao đổi với báo chí một số nội dung để làm rõ hơn vấn đề này.


Tuyển sinh Đại học 2022: 90% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và điểm học bạ

Tại Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022 được tổ chức ngày 8/5, thông tin về tình hình đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tính đến ngày 8/5, đã có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến thành công.


Tuyển sinh Đại học 2022: Nhiều phương thức xét tuyển nhưng không làm khó thí sinh

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2022 vừa được công bố, liên quan đến các phương thức tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng, xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.


Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022

Dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 27 điều - quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh do các cơ sở đào tạo thực hiện và xét tuyển đào tạo hình thức chính quy.


Tuyển sinh Đại học 2022: Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông

Thông tin về những điểm mới trong công tác tuyển sinh Đại học năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Quy chế tuyển sinh Đại học ổn định như các năm qua, nếu có điều chỉnh, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật để giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc đối với thí sinh.


Tuyển sinh Đại học 2022: Mở nhiều “cánh cửa” cho thí sinh lựa chọn

Đến thời điểm này, đa số cơ sở giáo dục đại học đã thông báo các phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022. Theo thống kê, năm nay có khoảng 15 phương thức tuyển sinh và hầu hết các trường sử dụng từ 2 phương thức xét tuyển trở lên. Tuy nhiên, 3 phương thức xét tuyển chủ đạo được đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng gồm: Xét tuyển bằng kết quả học tập bậc Trung học Phổ thông (học bạ); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 và xét tuyển bằng kỳ thi riêng hoặc xét tuyển kết hợp.


Tuyển sinh Đại học 2022: Không có sự bất bình đẳng khi xét tuyển bằng IELTS, TOEFL

Sau khi một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2022, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng về việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Bởi học sinh lớp 12 năm nay đã phải trải qua 2 năm học với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi một số nội dung nhằm làm rõ hơn các phương thức tuyển sinh năm 2022.


Tuyển sinh Đại học 2022: Phối hợp sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực góp phần nâng cao chất lượng đầu vào

Sáng 17/12, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị khai thác sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực học sinh Trung học Phổ thông phục vụ tuyển sinh đại học. Hội nghị có sự tham gia của gần 50 cơ sở giáo dục đại học, gồm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 3 Đại học Vùng, Cục Nhà trường - Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số trường đại học khu vực phía Bắc đến Đà Nẵng.



Đề xuất