Tuyển sinh 2021: Khuyến khích các trường tham gia nhóm xét tuyển để giảm thí sinh trúng tuyển "ảo"

Học sinh THPT tìm hiểu chương trình tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Học sinh THPT tìm hiểu chương trình tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2021, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên cao nhất. Nhằm hạn chế tình trạng thí sinh trúng tuyển “ảo”, năm nay, các trường đại học phía Nam dự kiến tiếp tục duy trì nhóm xét tuyển chung.

Tuyển sinh 2021: Khuyến khích các trường tham gia nhóm xét tuyển để giảm thí sinh trúng tuyển "ảo" ảnh 1 Học sinh THPT tìm hiểu chương trình tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tham gia nhóm xét tuyển phía Nam ngay từ năm đầu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhóm phía Nam do Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả lọc “ảo” cao. Nếu 100% trường tham gia thì hiệu quả lọc “ảo” sẽ cao hơn, thuận lợi hơn cho các trường trong việc xác định đúng thí sinh trúng tuyển, từ đó xác định tỷ lệ gọi nhập học chính xác, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Năm trước, nhóm phía Nam mới có khoảng 80 trường tham gia, số lượng còn ít nên số thí sinh trúng tuyển “ảo” vẫn còn. 

Mặt khác, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, việc tham gia nhóm lọc ảo này mới giảm được lượng thí sinh trúng tuyển “ảo” bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn các phương thức khác, nhất là xét tuyển học bạ lượng thí sinh trúng tuyển “ảo” rất lớn. Năm trước, tại trường chỉ có 30% số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ đến nhập học, do các em đã trúng tuyển ở nhiều trường khác. Do đó, Bộ cần có giải pháp để kiểm soát được dữ liệu của tất cả các phương thức tuyển sinh của các trường, làm cơ sở để các trường thực hiện lọc “ảo” hiệu quả.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các trường đều thực hiện đa dạng phương thức xét tuyển để tuyển được thí sinh phù hợp. Tỷ lệ xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có xu hướng giảm nhưng đây vẫn là phương thức được hầu hết các trường duy trì. Do có nhiều phương thức xét tuyển nên vấn đề lọc “ảo” luôn được các trường quan tâm. Để lọc “ảo” có hiệu quả, cần đảm bảo 2 điều kiện, đó là thông tin dữ liệu về các phương thức tuyển sinh của các trường nên nằm trong hệ thống chung và tất cả các trường phải tham gia nhóm xét tuyển chung.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc 100% trường cùng tham gia vào nhóm xét tuyển sẽ rất tốt, mang lại hiệu quả cao trong lọc "ảo". Bộ không thể bắt buộc các trường phải tham gia, bởi liên quan đến quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, với hiệu quả đạt được trong hoạt động của các nhóm xét tuyển chung, Bộ khuyến khích các trường tham gia.

Chia sẻ về kết quả tuyển sinh năm 2020, lãnh đạo nhiều trường đại học phía Nam cho biết, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng do thực hiện nhiều phương thức nên công tác tuyển sinh khá thành công, đa số các trường tuyển đạt trên 90% chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, các trường tiếp tục thực hiện đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ được nhiều trường sử dụng. Để thu hút thí sinh cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội, nhiều trường cũng mở thêm các ngành mới phù hợp với yêu cầu nhân lực trong quá trình phát triển. Công tác tư vấn tuyển sinh cũng được thực hiện linh hoạt, đa dạng, trong đó tư vấn tuyển sinh được các trường đẩy mạnh nhằm chủ động đưa thông tin đến với thí sinh mọi lúc, mọi nơi.

Thu Hoài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm