Tuyên Quang ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng

Tuyên Quang ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã dành sự quan tâm, thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ trong sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương nhằm lưu giữ, phát huy các ngành nghề truyền thống gắn với vùng nguyên liệu.

Tuyên Quang ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng  ảnh 1Bưởi đường Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Phát triển đa dạng ứng dụng công nghệ trong nhiều ngành nghề giúp các địa phương phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu, lao động, thúc đẩy chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 100 sản phẩm ứng dụng công nghệ gắn với lợi thế vùng miền trong nhiều ngành nghề như: khai thác, chế biến chè, miến dong, chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, rượu…tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Nhiều sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và nhiều tỉnh, thành bày bán, được khách hàng đón nhận và sử dụng như: Dầu lạc Trường Thịnh (Sơn Dương); Chè đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa); Mật ong Phong Thổ của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang); Bún khô Đà Vị của HTX Nông nghiệp Đà Vị và Chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà (Na Hang)...

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng việc phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng công nghiệp còn nhiều rào cản, khó khăn; thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự phát; nguồn kinh phí đầu tư cho các sản phẩm có thương hiệu địa phương còn hạn chế; nội dung triển khai chưa phong phú, định mức hỗ trợ một số nội dung còn rất thấp; nhiều sản phẩm chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều đề tài, dự án lĩnh vực khoa học nông nghiệp được triển khai, các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm; đặc biệt tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc sản của tỉnh như: cây cam, cây bưởi, cây chè, cây lạc, cây lâm nghiệp, con trâu, cá đặc sản.

Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm COOP, các địa phương cần chú trọng việc xác định sản phẩm ứng dụng công nghệ mang tính mũi nhọn; quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao; không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục đẩy mạnh tập trung hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi giá trị; khai thác, phát huy mối liên kết bền vững trong việc sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống; phấn đấu hàng năm có trên 60% đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp, thuỷ sản, các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn của 85 chủ thể (gồm: 65 hợp tác xã, 8 doanh nghiệp, 5 tổ hợp tác và 7 hộ kinh doanh); trong đó, 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 04 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm: cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà -Yên Sơn, chè Shan tuyết Na Hang và rượu ngô men lá Na Hang. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản đến các siêu thị, các đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm có uy tín trên toàn quốc.

Nam Sương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm