Tuyên Quang hỗ trợ người nghèo phát huy nội lực vươn lên

Mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Trần Ngọc Chung, thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, giúp gia đình anh thoát nghèo. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.
Mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Trần Ngọc Chung, thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, giúp gia đình anh thoát nghèo. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Năm 2021, Tuyên Quang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,1% (từ 9,03% xuống còn 6,93%). Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo.

Tuyên Quang hỗ trợ người nghèo phát huy nội lực vươn lên ảnh 1Người dân thị trấn Na Hang nuôi cá lồng trên hồ thủy điện mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Năm 2012, anh Trần Ngọc Chung, thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) xây dựng gia đình và được bố mẹ cho ở riêng. Một năm sau, vợ chồng anh sinh cháu trai đầu lòng nhưng không may bé bị mắc bệnh hiểm nghèo khi được 10 tháng tuổi. Vợ chồng anh Chung đã dùng hết số tiền tích cóp được từ trước cũng như vay mượn thêm để chữa bệnh cho con khiến kinh tế của gia đình anh bị kiệt quệ, nằm trong danh sách hộ nghèo. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh Chung được hỗ trợ vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số tiền được vay, anh Chung đã đầu tư trồng rừng. Anh đã dùng số tiền thu được từ trồng rừng góp vốn cùng 3 người anh em trong gia đình mở xưởng chế biến gỗ, nên cuộc sống của gia đình anh Chung đã được cải thiện.

Tuyên Quang hỗ trợ người nghèo phát huy nội lực vươn lên ảnh 2Mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Trần Ngọc Chung, thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, giúp gia đình anh thoát nghèo. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Anh Trần Ngọc Chung cho biết: “Từ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách đã giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn định hơn. Đến nay, tôi đã xây được nhà kiên cố, các con có điều kiện học hành đầy đủ. Tôi dự định đến hết năm 2021, sẽ làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo”.

Thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Năm 2020, Tổ ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội của xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương tạo điều kiện cho 47 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn sản xuất với số tiền trên 2,1 tỷ đồng; năm 2021 tạo điều kiện cho 13 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với số tiền 630 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, xã đã hỗ trợ 9 hộ nghèo làm nhà ở với số tiền 240 triệu đồng. Ngoài ra, xã Hợp Thành cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ về y tế, giáo dục đào tạo, đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt... Với nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Hợp Thành đã giảm xuống còn hơn 3,8%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 6,7%.

Tuyên Quang hỗ trợ người nghèo phát huy nội lực vươn lên ảnh 3Thu hoạch lê ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, hằng năm UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, triển khai Hội nghị giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng thôn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách hộ gia đình dự kiến thoát nghèo trong năm để theo dõi, chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch được giao.

Đến cuối năm 2020, Tuyên Quang còn 19.137 hộ nghèo, chiếm 9,03% số hộ dân toàn tỉnh. Năm 2021, tỉnh phấn đấu tiếp tục giảm 2,1% hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu trên, Tuyên Quang đang tập trung thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021; giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Tuyên Quang hỗ trợ người nghèo phát huy nội lực vươn lên ảnh 4Người dân xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, trồng rừng phát triển kinh tế. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Tuyên Quang đang nghiên cứu xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hiệu quả, sát với tình hình thực tế, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép là giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối; thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp tục phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng được đến trường học tập, từng bước nâng cao trình độ mọi mặt cho người nghèo, cận nghèo.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phổ biến, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời để người nghèo phát triển sinh kế… Trong những năm tiếp theo, Tuyên Quang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 2,5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm