Tuyên Quang hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống

Thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025), tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuyen Quang ho tro dong bao dan toc thieu so nang cao doi song hinh anh 1Làm đường bê tông ở thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi có 22 dân tộc cùng sinh sống. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,97%; trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 10,17% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Thực hiện Nghị định 28, Tuyên Quang triển khai các chương trình vay hỗ trợ: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển vùng trồng dược liệu quý, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, toàn tỉnh có hơn 530 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây nhà ở mới, gần 250 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhiều hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.

Tuyen Quang ho tro dong bao dan toc thieu so nang cao doi song hinh anh 2Ông Mã Văn Dũng (giữa ảnh), dân tôc Tày, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang chuyển đổi trồng mới gần 600 gốc chanh tứ mùa. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Hai năm trở lại đây, cây cam không mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình anh Mã Văn Dũng, dân tộc Tày ở thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách để chuyển đổi nghề. Anh Dũng cải tạo lại vườn đồi, trồng mới gần 600 gốc chanh tứ mùa. Quan tâm, chú trọng chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn chanh cho năng suất cao, mỗi năm cho thu hoạch 4 đợt quả. Đầu tháng 5 vừa qua, gia đình anh thu hoạch chanh đợt đầu tiên của năm 2023 được gần 4 tấn quả. Giá bán tại vườn từ 25-30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi khoảng hơn 50 triệu đồng.

Tuyen Quang ho tro dong bao dan toc thieu so nang cao doi song hinh anh 3Cây chanh tứ mùa đang là cây trồng cho thu nhập chính của gia đình ông Mã Văn Dũng (áo xanh) dân tôc Tày, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Năm 2022, gia đình bà Triệu Thị Mai, dân tộc Dao, thôn Xít Xa là một trong số những hộ nghèo của xã Minh Khương (huyện Hàm Yên) được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Gia đình bà vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách cho vay xây dựng nhà ở theo Nghị định 28 để xây dựng nhà mới khang trang, kiên cố.

Theo ông Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, xã có 6 hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn tín dụng chính sách theo Nghị định 28. Với ưu điểm lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nguồn tín dụng chính sách giúp đỡ rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn ổn định về chỗ ở, chuyển đổi nghề, có thêm vốn phát triển kinh tế. Đến nay, không còn hộ nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát.

Tuyen Quang ho tro dong bao dan toc thieu so nang cao doi song hinh anh 4Gia đình bà Triệu Thị Mai, thôn Xít Xa, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang có căn nhà mới xây từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn tín dụng chính sách. Ảnh Vũ Quang – TTXVN  

Còn tại xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, 19 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để làm nhà, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 8,7%, xóa 30/30 nhà tạm nhà dột nát, góp sức đưa Đội Bình về đích nông thôn mới năm 2022.

Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Nghị định 28. Cơ quan chức năng của các huyện, thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay và đảm bảo giải ngân theo đúng quy định.

Tuyen Quang ho tro dong bao dan toc thieu so nang cao doi song hinh anh 5Trạm biến áp 110 Kv thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đưa vào sử dụng, giúp đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Năm 2023, Tuyên Quang phấn đấu giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho trên 670 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 2.400 hộ, hỗ trợ đất ở cho trên 20 hộ, đất sản xuất cho khoảng 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số...

Vũ Quang

Tin liên quan

Tuyên Quang phát triển các loại cây ăn quả chủ lực, đặc sản

Nhằm phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, bền vững ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện phát triển các loại cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đến năm 2025 và 2030.


Xây dựng nông thôn mới nâng cao trên vùng quê cách mạng Kim Quan

Từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, ngày nay, mảnh đất Kim Quan - nơi in đậm những dấu ấn về Bác Hồ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đang vươn lên, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Đến nay, xã Kim Quan đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang trên đường hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.


Xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Hàm Yên

Với xuất phát điểm thấp (xã cao nhất mới đạt 6 tiêu chí, thấp nhất đạt 2 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới), song với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Yên, đến nay, huyện đã có 11/17 xã về đích nông thôn mới. Huyện vùng cao Hàm Yên phấn đấu đến năm 2025, đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đang chung sức đồng lòng, nỗ lực xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.



Đề xuất