Tuyên Quang duy trì ổn định, mở rộng vùng mía nguyên liệu

Tuyên Quang duy trì ổn định, mở rộng vùng mía nguyên liệu

Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng mía, đưa cây mía trở thành cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, nâng cao đời sống cho các hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Tuyên Quang.

Tuyên Quang duy trì ổn định, mở rộng vùng mía nguyên liệu ảnh 1Người dân xã Bình Xa, huyện Hàm Yên( Tuyên Quang) chăm sóc mía giống. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mía phù hợp với điều kiện canh tác và sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.

Cùng đó, nhằm duy trì ổn định và mở rộng vùng mía nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã ban hành các chính sách đầu tư, thu mua, hỗ trợ người trồng mía và phát triển vùng mía nguyên liệu từ nay đến năm 2025. Theo đó, vụ thu hoạch mía năm 2022-2023 (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) giá thu mua mía nguyên liệu là 1.030.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.160.000- 1.350.000 đồng/tấn. Từ niên vụ 2023-2025, giá mía nguyên liệu sẽ tăng lên 1.150.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.280.000- 1.350.000 đồng/tấn.

Ngoài việc tăng giá thu mua, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương còn hỗ trợ vay vốn đầu tư với diện tích mía trồng mới, trồng lại không quá 35 triệu đồng/ha và 20 triệu đồng với mía lưu gốc; hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm khác sang trồng mía là 3 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía là 5 triệu đồng/ha. Đối với ban chỉ đạo trồng mía cấp xã, thôn được hỗ trợ 1.500 đồng/tấn...

Ngoài ra, công ty điều chỉnh các chính sách về hỗ trợ giống, phân bón, làm đất. Công ty cam kết thời gian thanh toán không quá 30 ngày kể từ khi giao hết mía và đủ chứng từ hợp lệ.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh ổn định ở mức 2.500 ha, năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 90 tấn/ha, tổng sản lượng gần 225.000 tấn/năm.

Theo thống kê, niên vụ mía 2022-2023, tỉnh Tuyên Quang thực hiện trồng 2.019 ha mía; trong đó, thực hiện trồng mới 120 ha; trồng lại 565 ha; chăm sóc lưu gốc 1.334 ha. Huyện Sơn Dương đứng đầu với 815 ha, Hàm Yên 170 ha, Yên Sơn 110 ha…

Trước đó, trong niên vụ ép 2021-2022, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hiện đã thu mua hết 100% sản lượng mía trong vùng nguyên liệu, sản xuất được 8.000 tấn đường kính trắng được sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6959:2001 về đường trắng thuộc lĩnh vực công nghệ thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Toàn bộ sản phẩm đường kính trắng của công ty đã được bạn hàng ký kết tiêu thụ với giá 17.000 đồng/kg, cao hơn 2.500- 3.000 đồng so với niên vụ 2020 - 2021.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm