Tượng gỗ dân gian - nét văn hóa đặc trưng độc đáo của người Tây Nguyên

Các nghệ nhân tạc tượng sử dụng kỹ thuật tinh xảo hoàn thiện những sản phẩm của mình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Các nghệ nhân tạc tượng sử dụng kỹ thuật tinh xảo hoàn thiện những sản phẩm của mình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Bahnar, Jrai tại Tây Nguyên rất phong phú. Một trong những sản phẩm độc đáo đó là tượng gỗ. Loại tượng này được dùng trong nhà rông, nhà sàn nhưng phổ biến nhất vẫn là đặt quanh nhà mồ. Tượng dùng để trang trí, chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của người Bahnar, Jrai - 2 tộc người chính phía Bắc Tây Nguyên...

Tượng gỗ dân gian - nét văn hóa đặc trưng độc đáo của người Tây Nguyên ảnh 1Những nghệ nhân tạc tượng phải rất tỉ mỉ, khéo léo để có thể thổi hồn vào bức tượng do mình làm ra. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Để tạc tượng, nghệ nhân chỉ dùng những dụng cụ đơn giản như rìu, rựa, dao, đục. Dưới bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của họ, tượng gỗ đã phản ánh sự sinh động của cuộc sống, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hóa của người Tây Nguyên...

Với Nghệ nhân Ưu tú Ksor Krôh, làng Mrông Ngó, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) một tác phẩm tượng gỗ ra đời được xem như đứa con tinh thần, gắn với nhiều câu chuyện về vùng đất Tây Nguyên hùng vỹ. Ông cho biết, người tạc tượng thường có năng khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, chỉ cần nhìn khúc gỗ hay thân cây là có thể mường tượng ra được hình dáng bức tượng mình muốn tạc. Đặc biệt, từ con mắt lành nghề của nghệ nhân lâu năm thì khi đi rừng, nếu nhắm được một đoạn cây có hình dáng như mong muốn sẽ về gọi dân làng lên lấy mang về tạc tượng. Để tạc được bức tượng như ý, nghệ nhân phải dành thời gian, tỉ mỉ từng nhát rìu, nhát đục để cho ra bức tượng hoàn mỹ. Những bức tượng được làm ra phải đẹp, sinh động và gần gũi, thân thuộc với dân làng nhất.

Tượng gỗ dân gian - nét văn hóa đặc trưng độc đáo của người Tây Nguyên ảnh 2Các nghệ nhân tạc tượng sử dụng kỹ thuật tinh xảo hoàn thiện những sản phẩm của mình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai rất đặc sắc, chúng được thể hiện bằng ngôn ngữ khối, gợi tả, tượng hình. Người nghệ nhân dân gian bằng sự sáng tạo tự nhiên và sự khéo léo đã biến những thân gỗ vô tri thành tác phẩm nghệ thuật mang một vẻ đẹp thô mộc nhưng đầy sức lôi cuốn.

Theo nghệ nhân Ek, dân tộc Jrai, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai, người tạc tượng phải bằng cả sự nhiệt tâm, tỉ mỉ, làm cho cho từng bức tượng trở nên sinh động, có hồn. Khi mọi người chiêm ngưỡng sẽ cảm nhận được trên khuôn mặt tượng gỗ những cảm xúc thường ngày, thân thuộc và rất tự nhiên, có cảm giác như mình đang có mặt tại chính buôn làng.

Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại Tây Nguyên được chia làm hai nhóm cơ bản, thể hiện rõ nét trong không gian chúng được sử dụng trang trí. Nhóm thứ nhất là hệ thống tượng trang trí trong tín ngưỡng tang ma, cụ thể là Lễ bỏ mả - một lễ hội lớn nhất trong lễ hội vòng đời của người Bahnar, Jrai. Nhóm thứ hai là tượng gỗ trang trí trong sinh hoạt đời sống, cụ thể là tại các kiến trúc nhà rông – ngôi nhà chung của làng, ngôi nhà ở (nhà sàn, nhà dài). Tùy từng không gian tượng gỗ thể hiện giá trị tâm linh và nghệ thuật với các loại tượng theo chủ đề phồn thực, mô tả sinh hoạt đời sống, đồ vật, chim thú, hoa trái...

Thạc sỹ Hoàng Thanh Hương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tại Gia Lai, người đã có một số công trình nghiên cứu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian các tộc người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cho biết, nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn vào những bức tượng gỗ, truyền tải nhiều giá trị tinh thần và tâm thức. Đó là những giá trị nghệ thuật, làm đẹp, làm tươi mới không gian sinh sống chung của cả cộng đồng và mang giá trị tâm linh sâu sắc. Đó cũng là những món quà, lễ vật tâm linh của người sống dành cho người đã khuất mang về thế giới A Tâu để bầu bạn, hành trang, tài sản...

Trong quá trình thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh, tượng gỗ dân gian của người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bà Hoàng Thanh Hương cũng đề đã ra một số giải pháp bảo tồn tĩnh và động cho lĩnh vực văn hóa truyền thống, trong đó có nghề tạc tượng. Theo đó, muốn tượng gỗ tồn tại trong đời sống đương đại trước tiên phải giữ gìn, xây dựng được lực lượng nghệ nhân kế cận để giữ nghề. Đồng thời, cần có sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan để đưa tượng gỗ ra không gian sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn, phục vụ dịch vụ du lịch cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho nghệ nhân.

Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã và đang đóng góp một vẻ đẹp độc đáo và mang lại nhiều giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar, Jrai tại Gia Lai, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết, nhằm khuyến khích đồng bào lưu giữ và phát huy nghề tạc tượng, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề nghị các địa phương duy trì tổ chức các cuộc thi văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó đẩy mạnh khuyến khích các nghệ nhân say mê với nghề. Đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với Sở Công Thương và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đưa tượng gỗ kích cỡ nhỏ vào làm quà lưu niệm, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với Gia Lai.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm