Tục Rơving - Gắn kết cộng đồng của người Cơ - tu

Tục Rơving - Gắn kết cộng đồng của người Cơ - tu
Theo tiếng Cơ-tu, rơving là hình thức giúp và trao đổi công cho nhau trong môi trường sống và lao động sản xuất. Tục rơving luôn được nhắc đến trong những lần nói lý và hát lý dịp lễ ăn mừng lúa mới, mừng cưới hỏi, ăn mừng làm nhà mới...     

Là cư dân sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn, đối với người Cơ- tu, hoạt động kinh tế nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Hằng năm, cứ đến mùa phát nương làm rẫy, khai thác cây về sửa, làm nhà mới… cũng là lúc người Cơ- tu Quảng Nam thường tìm đến nhau để cùng bàn bạc, chia sẻ những khó khăn trong lao động sản xuất và để công việc sớm hoàn thành thì người Cơ- tu thường “rơving” với nhau. Nhờ rơving, người Cơ-tu mới làm nhanh đất gieo trồng nhiều ang lúa giống, nhanh có được nhà mới để ở, sửa lại nhà gươl làng để vui chơi sinh hoạt... Do tập quán canh tác chủ yếu là tự cung tự cấp, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, người Cơ-tu không quan tâm đến tiền nhân công lao động, chỉ mong công việc sẽ sớm hoàn thành, vì thế tục rơving luôn gắn liền với đời sống thường ngày của họ. Tuy nhiên, rơving cũng có những quy định mang tính truyền thống: ngày công lao động, số lượng người tham gia lao động và thời gian phải được trao đổi rõ ràng. Những ngày công lao động sẽ được đổi bằng những ngày công lao động tiếp theo. Rơving không chỉ diễn ra trong lao động sản xuất mà còn được người Cơ-tu dùng đến trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như: làm nhà mới, cưới hỏi, nhà có tang ma... Nhờ đó, cộng đồng người Cơ-tu luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
 
Người Cơ-tu thôn Áp Lô 2, xã A Vương, huyện Tây Giang (Quảng Nam) giúp nhau khôi phục lại gươl (ngôi nhà làng truyền thống).
Người Cơ-tu thôn Áp Lô 2, xã A Vương, huyện Tây Giang (Quảng Nam) giúp nhau khôi phục lại gươl (ngôi nhà làng truyền thống).

Tuy nhiên, hiện nay trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền ngày càng nhiều đã làm thay đổi một số tập tục đẹp của người Cơ-tu, trong đó có tục rơving. Người ta không đổi công cho nhau nữa, thay vào đó ngày công được trả lại bằng tiền. Người có tiền có thể dùng tiền thuê nhân công lao động cho mình.

Rơving là tập tục đẹp, góp phần làm mối gắn kết cộng đồng thêm vững chắc. Vì vậy, lưu giữ và bảo tồn phong tục rơving của người Cơ-tu như trước đây không những làm cho tính cộng đồng của mỗi làng được phát huy, mà còn giúp cho bản sắc văn hóa cộng đồng của người Cơ-tu vùng núi Quảng Nam càng phong phú hơn.
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm