Tục lệ cho thú rừng ăn Tết

Tục lệ cho thú rừng ăn Tết
Săn gà chạy bộ trên vườn đồi

Tôi im lặng làm theo chỉ dẫn. Con gà trống thấy động, lủi ngay vào bụi cây, thỉnh thoảng nhô đầu lên nghiêng ngó rồi thụt nhanh xuống. Thành kéo dây nỏ, nheo mắt ngắm, rồi cẩn thận lắp tên. “Oác” một tiếng, con gà ngã vật ra. Phát tên chuẩn xác đến kinh ngạc.

Thành mồ côi cha mẹ, được ông bà nội nuôi nấng từ bé trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Mã. Chẳng biết ông nội dạy bắn cung nỏ cho em từ bao giờ, nhưng hội thi bắn cung nỏ của huyện, của vùng, cu cậu đều giành giải nhất. Thành bảo: “Cháu vừa biểu diễn cho chú xem thế thôi. Chứ bình thường cháu bắn vào nách gà, để gà còn sống nguyên vẹn, không chảy máu. Như vậy, thịt gà sẽ không bị đỏ, tươi ngon hơn”.
 
Hà Văn Thành bắn nỏ như một thiện xạ
Hà Văn Thành bắn nỏ như một thiện xạ

Ông nội Thành am tường văn hóa của người MườngThái, nên dạy cậu sử dụng thành thạo các loại nỏ của hai dân tộc này. Không chỉ để đỡ quên nghề, thỉnh thoảng cậu còn giúp ông lên núi đá bẫy chuột lang, bắn sóc thỏ bảo vệ vườn đồi. Nay đã nhập ngũ, Thành đang có cơ hội phát huy khả năng thiện xạ của mình trên thao trường.

Ông Hà Văn Nênh cười rạng rỡ khi thấy con gà đồi trên tay cháu nội, rủ khách: “Ta vừa lên mạn cuối vườn đồi thăm bẫy, kiểu gì cũng bắt được chuột núi”. Nửa giờ leo đồi, lại có thêm rất nhiều chiến lợi phẩm. Ông già đầu bản xin mấy con chuột lang to như bắp chân, nhưng vẫn còn gần 20 con, đủ cho cả nhà dùng bữa. Chuột lang sống trên núi đá, ít ăn động vật, chỉ ăn mầm cây hoa quả nên thịt rất sạch, thơm ngon, người miền núi coi là món đặc sản. Ông Nênh đưa xâu chuột cho vợ, dặn đem chuột đốt lửa thui lông, ra vườn đồi hái thêm rau cỏ, làm ngay để đãi khách.

Bên cửa sổ ngôi nhà sàn, ông Nênh vừa rót trà tán ma vừa bảo: “Dân miền sơn cước thì phải biết săn bắn chứ. Nhà nước không cho săn bắn động vật hoang dã, nhưng người dân vẫn phải biết cung nỏ, để bảo vệ hoa màu trên nương, vật nuôi trong nhà. Thú lớn vào sâu trong rừng, đâu còn ở gần dân. Hơn nữa, đây cũng là việc giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc người. Mỗi năm, vào ngày mồng 5 Tết, tôi đều dẫn cháu Thành lên đồi dạy bắn cung nỏ, vót tên. Đó là truyền thống của người Thái đấy”.

Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, ông Nênh nói thêm: “Các nhà nghiên cứu tìm hiểu nhiều về câu tục ngữ “Người Thái ăn theo nước”, vì người Thái có lễ hội phá vũng cá rất nổi tiếng. Nhưng chỉ trồng lúa bắt cá thì chưa đủ, còn phải biết thuần hóa, lai tạo giống cây, con vật nuôi mới đáp ứng đủ cho cuộc sống bây giờ. Chúng tôi cũng từng có những lễ hội đi săn hoành tráng với những quy ước, luật lệ truyền lại từ hàng trăm năm. Tôi từng được tham gia vào cuộc săn ấy”.

Hồi còn nhỏ, ông Nênh sống dưới chân ngọn đồi Lai Li Lai Láng nổi tiếng của người Mường, có tên trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Ông nhớ, những cuộc săn của làng thường có tất cả dân bản cùng tham gia. Từ trong năm, người ta đã chọn sẵn một khu rừng có nhiều thú lớn để săn bắn. Đám thợ săn không được bén mảng vào rừng này khi chưa đến lễ hội. Cuộc săn được tổ chức như một trận đánh, có kế hoạch “tác chiến” bài bản.

Người dân sẽ bao vây ba mặt, để dồn đàn thú về một góc, thường có vách núi cao hay sông lớn chắn lối. Nơi đó, lực lượng chủ lực là cánh thợ săn nhanh nhẹn tháo vát đang chờ sẵn với cung nỏ cứng, giáo dài, mác nhọn và nhiều lưới, bẫy lớn để đón những con thú lớn hung dữ.

Đông đảo người già, phụ nữ, trẻ em, với tất cả những dụng cụ gây huyên náo như chiêng trống, thanh la não bạt, xoong nồi… sẽ khiến đàn thú hoang mang chạy về phía góc núi đó. Người ta cũng nhanh chóng hạ gục con thú nhỏ chậm chân trong tầm mắt.

Gà rừng được người vùng cao thuần hóa
Gà rừng được người vùng cao thuần hóa

“Người ta vẫn bảo, săn thú thì cả cộng đồng chung tay, nhưng việc chia phần chính là mầm mống của sự mất đoàn kết, chia rẽ. Với người Thái thì không có chuyện đó, bởi mường bản đã có luật tục lâu đời về việc luận công chia thưởng trong hội săn rồi. Không chỉ với săn thú, mà việc bắt cá, hay lấy mật ong, măng rừng…, luật tục bản mường đều quy định rất chặt chẽ, rất có tình có lý để mọi người nghiêm túc thực hiện” – ông Nênh bảo.

Theo luật tục, sau mỗi chuyến đi săn, cả làng sẽ mở hội chung đón Tết bằng tất cả những con thú săn được. Thú nhỏ thì không tính, nhưng những con thú to từ cỡ con hoẵng trở lên đều được chia cho cả phường săn theo nguyên tắc đã định. Người phát hiện con thú lớn và bắn phát đầu tiên, được chia cái đầu và đùi sau của con thú.

Phát bắn đầu tiên chưa có kết quả, người bắn phát tiếp theo để hạ con thú thì được chia nửa miếng thăn. Nhưng nếu chỉ một phát bắn đã hạ gục, thì gần như cả con thú do một người được lãnh thưởng. Phần này rất lớn, nên thường người thợ săn chỉ nhận danh dự là chính, còn thịt thì đem khao dân làng luôn chứ không ai mang về nhà mình.

Những người gây huyên náo dồn con thú đó về phía người thợ săn sẽ được chia một phần mông và đuôi. Những người tham gia tốp săn án ngữ đường chạy, dù không bắn hạ con thú cũng được chia phần vai và nửa miếng thăn còn lại. Nghĩa là săn được một con thú lớn về, xẻ thịt ra thì ai cũng có phần. Nhưng đó là chuyện xưa rồi.

Bây giờ khách dưới xuôi lên bản chắc phải ngỡ ngàng bởi các mô hình làm ăn mới gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Luật tục của người Thái giờ phát huy tác dụng vận động dân bản ngăn chặn lâm tặc, chống bọn săn bắn, bảo vệ màu xanh của núi rừng.

Cho thú rừng ăn Tết

Tôi từng xem cuốn sách “Le Thanh Hoa” (Tỉnh Thanh Hóa) của Charles Robequain, người Pháp, hội viên Trường Viễn Đông Bác cổ, biên soạn năm 1929. Khi ấy tác giả mới ngoài 30 tuổi, có dịp đi điền dã ở miền Tây Thanh Hóa. Như những người Pháp từng sống ở Đông Dương nói chung, Thanh Hóa nói riêng, ông Charles Robequain cũng từng tham gia vào những cuộc săn bắn như vậy.

Một người dân đi bắt chuột lang
Một người dân đi bắt chuột lang

Ông viết: “Chống lại những thú dữ ấy, beo báo và cọp vốn chẳng chê thịt người, và cũng để săn bắt những thú có sừng họ hươu nai chắc thịt với sừng nhung quý giá, vốn hay phá hoại mùa màng trên nương rẫy, người dân miền núi tổ chức những cuộc săn lớn, nhất là ở xứ Mường, thường huy động nhiều xóm cùng lúc diễn ra theo tục lệ truyền thống. Những con thú hoảng loạn vì tiếng la hét và tiếng cồng vang vang, lại còn bị những đàn chó lùa theo, bị dồn vào một nẻo đường mòn hoặc một quãng rừng thưa, rồi gần như bị bắn chết tại chỗ”.

Ông Hà Văn Nênh nghe chuyện, gật gù xác nhận, đó đúng là không khí đi săn của người Thái và Mường xưa kia. Nhưng ông cũng khẳng định, các nghiên cứu trước đây đều “quên” đề cập một khía cạnh thú vị của nghề săn bắn: Người Thái luôn dành cho thú rừng những ngày yên ổn, thanh bình nhất có thể để “ăn Tết”. Trước đây, vào dịp Tết, cứ đi qua bản mà nghe tiếng lợn kêu thì biết đó là bản của người Mường. Vì người Mường coi trọng việc chăn nuôi trồng trọt, nên thực phẩm luôn đầy đủ, ít phải ra suối bắt cá, vào rừng săn thú. Sau này người Mường, người Thái quần cư trong một bản thì họ học theo, sống hòa vào thiên nhiên hơn.

Người Thái coi trọng ngày Tết, nên không khí chuẩn bị cho những ngày này rất nhộn nhịp, có sự tham gia của cả làng bản. Theo lệ xưa, vào ngày 24 tháng chạp, các phường cá bắt đầu đánh bắt cá ở các vũng cá. Vũng cá là một khúc sông cạn hoặc suối lớn gần bản, được ngăn đắp lại bằng đá hộc và tre luồng từ tháng 10 âm để tích trữ tôm cá. Nhiều ngày dồn lại, cá trong vũng nhiều vô kể. Việc phá vũng cá được coi là ngày hội trọng đại của dân trong vùng, rất nô nức vui vẻ.

Đến ngày 25 tháng chạp là ngày săn thú. Các phường săn đem cung tên, giáo mác, bẫy, lưới, dắt chó săn vào rừng. Họ đặt bẫy thú và săn bắt thú. Không phải vùng đất nào cũng sẵn muông thú và có nhiều phường săn mạnh để tổ chức ngày hội săn quy mô lớn.

Nhưng hoạt động này vẫn thường phải diễn ra, vì trong một số món ăn truyền thống dâng cúng tổ tiên của người Thái đòi hỏi phải có thịt thú rừng. Ngày 26 tháng chạp, con trâu được ăn Tết sớm nhất, nghỉ ngơi mọi việc cày kéo. Trâu được ăn lúa cả bông lấy xuống từ gác bếp, được tắm nước ấm pha lẫn rượu, được thầy mo cầu cúng khấn khứa để trâu luôn khỏe mạnh, hồn vía lên trời chuẩn bị ăn Tết, xem Tết cây hoa (Kin chiêng boóc mạy).

Sự kiện quan trọng đối với người dân và các thợ săn trong dịp Tết, chính là để cho thú rừng ăn Tết. Tất cả mọi người dân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không sẽ phải chịu sự trách phạt theo luật tục bản mường. Tuần lễ ăn Tết của thú rừng là từ 29 tháng chạp đến mồng 5 tháng giêng.

Theo đó, tất cả mọi người đều phải trở về làng bản, không ai được vào rừng lên nương nữa. Rừng được trả lại không khí bình yên tuyệt đối trong dịp Tết. Không ai được săn bắt, sát sinh trong rừng nữa. Tất cả các bẫy thú mà người ta đã đặt trước đó đều phải tháo dỡ hết, để thú rừng được an toàn mà ăn Tết. “Săn bắt nhưng không tận diệt, muông thú cây cỏ cũng cần được tái tạo, sinh sôi. Các muông thú, cây cỏ đều có linh hồn, cần được tôn trọng. Đó là quan niệm đa thần, vạn vật hữu linh của người Thái cổ xưa” – ông Nênh vừa nói, vừa nhấp một chén rượu siêu.

Bước sang năm mới, vào ngày mồng 5 tháng giêng thì người Thái làm lễ cúng thần Tướng (thần cai quản việc săn bắn, vũ khí). Các gia đình, nhất là phường săn sẽ đem các vũ khí ra lau chùi, bắn thử. Người già đem giáo mác, cung nỏ ra dạy cho thanh niên tập tành, truyền các bí kíp gia truyền cho con cháu, nêu cao tinh thần thượng võ. Nhưng, việc vào rừng săn bắn chỉ được tiến hành bắt đầu từ ngày mồng 7.

“Những tập tục săn bắn xưa cũ của người vùng cao theo cuộc sống hiện đại đã mai một nhiều. Nhưng mạch nguồn của nó vẫn cuộn chảy trong cộng đồng người Thái, nhất là nét nhân văn, tinh thần thượng võ” – ông Hà Văn Nênh trầm ngâm.

Theo antg.cand.com.vn

TTXVN

Có thể bạn quan tâm