Tục hỏi chồng vào ban đêm của người K'ho

Tục hỏi chồng vào ban đêm của người K'ho

Người K'ho theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ hoàn toàn chủ động việc cưới xin, chủ động đi tìm chồng. Nếu cô gái ưng một chàng trai nào đó, cô sẽ cùng người nhà đến tận nhà chàng trai để hỏi. Nếu nhà trai và chàng trai đồng ý, thì ngay trong đêm đó, người con gái sẽ “bắt” chú rể về nhà mình. 

Ông Krajan Plin, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa cồng chiêng thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nói rằng  thời gian kén chồng và bắt chồng diễn ra vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 4:

 

-  Tục hỏi chồng vào ban đêm ấy vì hai gia đình người ta không có quen, không tìm hiểu trước, không có yêu đương gì trước. Người ta cũng sợ người này, người kia nói, chim chóc, muông thú nó mách, sợ làm cho chàng trai không được lòng, nên đi vào ban đêm để không ai thấy. Đêm là lúc muông thú đều ngủ hết rồi, chỉ có mình đến gia đình đó đặt vấn đề. Nếu đồng ý thì rước trong đêm luôn, tất cả mọi thứ đều diễn ra trong đêm hết. Đến hôm sau, người ta thấy chàng trai đã ở nhà vợ rồi, thì dân làng biết là ông này là chính thức lấy vợ rồi.

Điệu múa truyền thống của các cô gái K'ho. Ảnh: nguoiduatin.com
Điệu múa truyền thống của các cô gái K'ho. Ảnh: nguoiduatin.com

Các cô gái K'ho thích một chàng trai như thế nào? Họ nhắm đến chàng trai khỏe mạnh, siêng năng. 

Khi nhà trai hay người con trai đồng tình, họ sẽ bàn đến vấn đề thách cưới. Thường, người con trai về với người con gái thì họ đòi một con trâu, gọi là đền sữa mẹ. Người mẹ nuôi mình biết bao nhiêu cho vừa, nên con trâu sữa mẹ là ước lệ công lao người mẹ mà nhà gái phải trả cho mẹ chàng rể. Nếu không phải là trâu thì công sữa mẹ là một bộ chiêng.
 
Theo phong tục, người con gái đến dạm hỏi, nếu nhà trai không đồng ý, thì nhà trai phải bồi thường danh dự cho cô gái. Nhưng chỉ bồi thường chứ không xử phạt. Bồi thường có thể bằng trâu, heo, gà hay tiền, tùy theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
 
- Bồi thường danh dự, lớn nhất có thể là 1 trâu, nhỏ nhỏ thì con heo, con gà thôi, cũng là danh dự rồi. Người ta xử thế nào cho đúng thôi, bên kia người ta không phàn nàn, bên này cũng cảm thấy vui vẻ vậy thôi chứ không nặng nề. Trừ khi mình có quan hệ hứa hôn này kia, lúc người ta đi hỏi mà mình không lấy thì mình phải đền chứ. Đền khác và bồi thường danh dự cho người ta nó khác - ông Krajan Plin giải thích.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm