Tư vấn, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho tỉnh Cao Bằng

Ngày 23/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Tu van, xay dung tiem luc khoa hoc va cong nghe cho tinh Cao Bang hinh anh 1Toàn cảnh Lễ ký kết. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc ký kết nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học, công nghệ giữa hai bên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước làm chủ công nghệ theo mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, lễ ký kết giúp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao...

Dịp này, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã báo cáo một số kết quả khoa học và công nghệ của đơn vị tại Cao Bằng cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Trong đó, kết quả về Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất ngô và các sản phẩm gia vị có giá trị xuất khẩu cao tại Cao Bằng; phát huy giá trị, bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên du lịch Cao Bằng. Cùng với đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu về robot dạng người thông minh IVASTBOT; tiềm năng hợp tác trong đào tạo nhân lực trình độ cao tại tỉnh Cao Bằng.

Tu van, xay dung tiem luc khoa hoc va cong nghe cho tinh Cao Bang hinh anh 2Một sản phẩm khoa học và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trưng bày tại lễ ký kết. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký biên bản phối hợp hoạt động với UBND tỉnh Cao Bằng về các nội dung: Tư vấn xây dựng, triển khai các đề án, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tư vấn, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho tỉnh. Hai bên hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng, đổi mới và chuyển giao; cung cấp, trao đổi thông tin; huy động nguồn vốn, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Tu van, xay dung tiem luc khoa hoc va cong nghe cho tinh Cao Bang hinh anh 3Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê đánh giá cao những kết quả nghiên cứu khoa học, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai tại tỉnh.

Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn là một tỉnh nghèo, điều kiện tự nhiên khó khăn, hạ tầng còn thiếu và yếu. Chất lượng nguồn nhân lực cũng còn thiếu và yếu ở hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, Cao Bằng xác định, khoa học công nghệ là động lực giúp tỉnh rút ngắn khoảng cách chệnh lệnh giữa địa phương với các tỉnh khác.

Thời gian tới, UBND, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ. Trong đó, các sở, ngành, doanh nghiệp cần ưu tiên nghiên cứu xác định lợi thế riêng có của tỉnh để đưa khoa học công nghệ vào đầu tư, tạo ra sản phẩm độc đáo về du lịch, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu, tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp, phát huy hiệu quả cao tại địa phương; nghiên cứu cơ chế, chính sách để doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê mong muốn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giúp địa phương tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ gắn với chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh đủ sức chuyển hóa được các tiến bộ của khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất...

Chu Hiệu

Tin liên quan

Cao Bằng: Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của người Tày

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố danh mục 12 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Để gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống này, ngành chức năng của tỉnh đang đề ra nhiều giải pháp.


Cao Bằng ổn định cuộc sống đồng bào ở khu định canh, định cư

Tỉnh Cao Bằng có 8 dự án đinh canh, định cư. Một số dự án đang hoàn thiện để đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, để đồng bào yên tâm sinh sống và sản xuất ở vùng định canh định cư, chính quyền các cấp cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.


Cao Bằng quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.



Đề xuất