Tu sửa, tôn tạo hệ thống tượng đài, tạo điểm nhấn cảnh quan, du lịch

Tượng đài An Dương Vương tại vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ
Tượng đài An Dương Vương tại vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ

Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) được hình thành từ hơn 300 năm với nhiều công trình tượng đài mang ý nghĩa lịch sử, điểm nhấn quan trọng cho cảnh quan đô thị và văn hóa thành phố. Trải qua thời gian, một số tượng đài tại thành phố đang xuống cấp nhưng chưa được quan tâm, tu bổ...

Mất cân đối, xuống cấp

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, Thành phố có 10 tượng đài được xây dựng trước năm 1975. Hầu hết những tượng đài này đang "kêu cứu" vì tình trạng xuống cấp, hư hỏng, bắt đầu mục nát, ngã đổ. 

Tu sửa, tôn tạo hệ thống tượng đài, tạo điểm nhấn cảnh quan, du lịch ảnh 1Tượng đài An Dương Vương tại vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ

Tượng đài An Dương Vương tại vòng xoay ngã sáu đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh, tiếp giáp Quận 5 và Quận 10 hiện xuống cấp nghiêm trọng. Xung quanh tượng, từ chân lên đến đỉnh tượng có nhiều vết nứt, bong tróc, cây xanh mọc lên từ khe nứt và ngày càng lớn dần.

Tương tự, tượng đài Phan Đình Phùng nằm ở vòng xoay bưu điện Chợ Lớn (Quận 5) cũng rơi vào tình trạng xuống cấp, cũ kỹ. Dưới chân tượng đài xuất hiện nhiều rác thải, gây mất mĩ quan đô thị.

Tượng đài Lê Văn Tám (nằm trong Công viên Lê Văn Tám, Quận 1) xuất hiện nhiều điểm nứt vỡ, ố màu. Bên cạnh đó, một số tượng đài được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép là chất liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp cần được tu sửa để đảm bảo an toàn như: Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương (Tượng đài Thánh Gióng, Quận 1); Tượng đài Công nhân (tiếp giáp Quận 3 và Quận 10). 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đa số các công trình điêu khắc hoành tráng của thành phố hiện nay đều thực hiện bằng chất liệu xi măng, bê tông cốt thép. Chưa kể một số công trình có vị trí, chất lượng nghệ thuật không còn phù hợp với tính hiện đại và nhu cầu phát triển của thành phố. Rất ít công trình được đặt ở những quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm thành phố để làm điểm nhấn biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị.

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười, người đã gắn bó, tham gia giảng dạy về lĩnh vực mỹ thuật gần 60 năm, cho rằng tượng đài là công trình văn hóa nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, tác động đến nhận thức xã hội.

Thế nhưng, hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố đang mất cân đối, quá nhiều tượng đài mà lại thiếu sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc trong không gian công cộng của thành phố. Trong số 50 công trình, tượng đài đang hiện hữu, có đến 76% là tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, sự kiện lịch sử cách mạng; 24% còn lại là tượng đài mang tính biểu tượng và các loại khác.

Chậm được tu sửa, tôn tạo

Trước tình trạng xuống cấp của các tượng đài trên địa bàn thành phố, đầu năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo, tượng đài Thánh Gióng và đã được chấp thuận chủ trương.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân Quận 1 thực hiện việc tu sửa, tôn tạo hai công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và Thánh Gióng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có tượng đài Trần Hưng Đạo đang trong quá trình tu sửa, tôn tạo, còn tượng đài Thánh Gióng vẫn như cũ.

Qua rà soát và khảo sát thực tế, đầu tháng 12/2019, Sở Văn hóa và Thể thao có công văn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý, tu sửa, tôn tạo tượng đài An Dương Vương và tượng đài Công nhân.

Ngày 19/12/2019, Uỷ ban nhân dân Thành phố thống nhất với đề xuất của Sở, giao Ủy ban nhân dân Quận 5 thực hiện quản lý, tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài An Dương Vương theo đúng quy định; Ủy ban nhân dân Quận 10 thực hiện quản lý, tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Công nhân. Nhưng đến nay, việc tu sửa, tôn tạo 2 công trình này vẫn chưa được các cấp chính quyền triển khai, trong khi tượng đài đang ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Là một chuyên gia, Nhà giáo nhân dân, họa sĩ Huỳnh Văn Mười cho rằng, thành phố cần quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa công cộng. Cụ thể về tượng đài, có 2 phần là tượng đài Sài Gòn xưa và tượng đài mới. 

Trong đó, tượng đài mới trên địa bàn thành phố còn khá tốt, tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa và tượng đài Thống Nhất đã được đề cập, bàn nhiều, nhưng chưa được thành phố triển khai xây dựng.

Tượng đài Sài Gòn xưa để lại có ưu điểm là tôn vinh các danh nhân như Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi, Phan Đình Phùng…, nhưng do xây dựng trong thời gian ngắn nên tuổi thọ không cao, xuống cấp.

Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười cho rằng, tượng đài là phương tiện giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc suốt 4.000 năm chứ không phải chỉ một giai đoạn ngắn. Do đó, cần sửa chữa những gì ngày xưa làm chưa tốt, nghiên cứu làm lại một cách nghiêm túc, trọn vẹn.

Đồng quan điểm, điêu khắc gia Phan Gia Hương, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng mỗi tượng trong thành phố đều có giá trị lịch sử nhưng nên thay đổi phù hợp với xu thế của thời đại; đừng để tình trạng hư hỏng xuống cấp.

Từng có hơn 50 năm kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, theo nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Quân, cần nhanh chóng quy hoạch lại hệ thống tượng đài ở Thành phố Hồ Chí Minh bởi không còn phù hợp, như một "chiếc áo đã quá chật" giữa một không gian đô thị mới đang từng ngày phát triển. Có thể chia thành từng mảng riêng biệt: chính trị, lãnh tụ, văn hóa, danh nhân...  Nhà nước giữ lại đầu tư một phần, phần còn lại nên xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. 

Về xây dựng hệ thống công trình, tượng đài nói chung, công trình, tác phẩm điêu khắc nói riêng trong không gian công cộng tại thành phố, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, Thành phố và các ban, ngành đã nhìn nhận thực tế này, tuy nhiên việc quy hoạch không hề đơn giản.

Vì thế, các nhà chuyên môn cần "ngồi lại" để nghiên cứu, đánh giá và thống nhất phương án một cách chính xác, phù hợp. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, chuyên gia có thể tham khảo thực tế để định hình, tính toán sáng tạo tác phẩm phù hợp, kể cả về quy mô, thể loại, chất liệu…, đồng thời học hỏi các nước khác về quy hoạch tượng đài để áp dụng có hiệu quả./.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm