Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!

Những ngày qua, dư luận tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm đến Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) sau khi bị Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu ngừng thi công bằng máy cơ giới. Nhiều người dân và các chuyên gia càng lo lắng hơn khi một số hạng mục của dự án này đang được xây dựng, tu bổ bằng gạch đá và bê tông.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 1Tháp Bánh Ít khi chưa triển khai thi công Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Ảnh: TTXVN phát

Theo Quyết định số 3626/QĐ-UBND ngày 1/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại Tháp Bánh Ít, dự án này có một số hạng mục được đầu tư xây dựng bằng bê tông, lát đá và xây gạch.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 2Nhiều hạng mục công trình tại Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít được xây dựng nhưng vừa bị tháo dỡ. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Cụ thể, đường nội bộ (phía Tây Nam) sẽ được xây dựng hoàn thiện bằng bê tông, lát đá có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính; bãi đậu xe có diện tích gần 1.200 m2 được xây dựng bằng bê tông đá; sân trước khu nhà chức năng với diện tích trên 500 m2 được xây dựng mới bằng bê tông; khuôn viên phía trước và dưới Tháp Chính, khuôn viên dưới chân Tháp Nam, khuôn viên dưới chân Tháp Cổng được lát đá ong. Ngoài ra, hai bên dọc theo tuyến đường và tuyến bậc cấp chính được trồng hoa giấy. Tán cây toàn khu vực tháp với diện tích khoảng 45.500 m2 cũng được phát quang, hạ thấp.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 3Đất, cát được tập kết tại công trình Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Vân (thành phố Quy Nhơn) cho biết, qua theo dõi những hình ảnh ghi nhận tại công trường Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít trên báo chí trong những ngày qua, ông rất bức xúc và không đồng tình với cách tôn tạo, tu bổ một ngôi tháp Chăm có lịch sử gần 1.000 năm bằng cách sử dụng các loại máy đào, máy xúc. Ngoài ra, việc xây dựng bồn hoa bằng gạch xung quanh các chân tháp là vô cùng phản cảm, làm mất đi giá trị và vẻ đẹp vốn có của tháp. Bên cạnh đó, việc xây dựng tường rào, lối đi, sân bãi bằng bê tông sẽ làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ của tháp Chăm.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 4Di tích Tháp Bánh Ít đã tạm dừng đón khách để tiến hành thi công xây dưng, tu bổ. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ông Đinh Bá Hòa, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, văn hóa Bình Định nổi trội nhất là văn hóa Chăm nên việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi các di tích tháp Chăm luôn được quan tâm. Từ những năm 1990, một số tháp Chăm tại Bình Định như Tháp Dương Long, Tháp Đôi, Tháp Cánh Tiên đã được ngành chức năng của tỉnh trùng tu, tôn tạo. Sau đó, Tháp Bánh Ít cũng đã được trùng tu, tôn tạo một lần. Nhưng việc xây dựng con đường chính đi lên tháp bằng đá chẻ đã phá vỡ cảnh quan chung toàn bộ khu vực di tích, gây bức xúc trong dư luận một thời gian.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 5Nhà thầu thi công tập kết vật liệu xây dựng để thi công Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít . Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Trong những ngày gần đây, qua hình ảnh trên báo chí phản ánh về Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít đang được triển khai thi công, ông Hòa vô cùng bức xúc. Ông cho rằng, việc triển khai máy móc lên khu vực Tháp Chính để đào đất, san gạt là vi phạm nghiêm trọng đến di tích theo Luật Di sản văn hóa.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 6Nhiều loại gạch, đá được tập kết để thi công Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít . Ảnh: Tường Quân - TTXVN

“Tôi không biết dự án được phê duyệt như thế nào, hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình ra sao nhưng chủ đầu tư đã để cho các đơn vị thi công làm như vậy là hoàn toàn sai quy định. Việc xây dựng bồn hoa bằng gạch xung quanh chân tháp sẽ gây nên sụt lún tháp khi thường xuyên tưới nước, cây hoa cũng che khuất các chi tiết đẹp của tháp. Trong Luật Di sản văn hóa, đây là khu vực thuộc vòng một của di tích nên bất khả xâm phạm. Việc bê tông hóa một số hạng mục công trình cũng phản cảm, làm mất đi giá trị nguyên sơ của toàn bộ di tích”, ông Hòa nói.

Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông!  ảnh 7Một số chân tháp bị hổng do quá trình san gạt, đào đất bởi các máy đào. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Nhiều ý kiến cho rằng, Sở Văn hóa, Thể thao Bình Đình vừa là cơ quan chức năng vừa là chủ đầu tư dự án nhưng đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, để cho các đơn vị thi công xây dựng các hạng mục không đúng như thiết kế đã phê quyệt. Đặc biệt, xây dựng bồn hoa xung quanh các chân tháp là hạng mục công trình xâm hại nghiêm trọng đến di tích. Ngoài ra, đơn vị thi công là liên doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Hiếu Ngọc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Thành Lộc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Phát cũng chưa đủ chuyên môn để có thể thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích này.

Để làm rõ những vấn đề nêu trên, phóng viên đã đến trụ sở làm việc của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định để liên hệ phỏng vấn lãnh đạo Sở sáng 9/3. Tuy nhiên, ông Mai Ngọc Thinh, Chánh văn phòng Sở cho biết, hiện lãnh đạo Sở đã đi công tác và bị mắc COVID-19 nên không còn ai cung cấp thông tin được. Liên hệ với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Bình Định qua điện thoại thì vị này cho biết đã đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh nên chưa thể trả lời cho báo chí được và yêu cầu phóng viên liên hệ văn phòng Sở để làm việc.

Về thông tin trong quá trình thi công có phát hiện cổ vật tại khu vực phía Đông của Tháp Chính, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, các công nhân có phát hiện một mảnh vỡ sành nên đã báo cáo với cơ quan chức năng. Hiện, Bảo tàng Bình Định đã tiếp nhận để lưu giữ, sau này sẽ đặt tại khu trưng bày trong khuôn viên Tháp Bánh Ít. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận, ghi nhận thực tế về mảnh vỡ này thì ông Tĩnh cho biết đang bận họp; căn phòng cất giữ mảnh vỡ này do một chuyên viên quản lý nhưng người này cũng đã đi công tác.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc thi công, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tại Tháp Bánh Ít có sử dụng xe cơ giới để san gạt mặt bằng và một số vị trí thi công chưa đảm bảo theo thẩm định, ngày 8/3, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích; gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 11/3/2022.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm